Lệnh trừng phạt Iran, Venezuela, khiến 2 nước này giảm xuất khẩu dầu đã biến Mỹ thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới với hơn 11 triệu thùng/ngày.
Mỹ tiếp tục đứng đầu danh sách các nước khai thác dầu mỏ
Theo Tổ chức Sáng kiến Dữ liệu chung về dầu mỏ (JODI), trong 11 tháng liên tiếp, Hoa Kỳ đã vượt qua những cường quốc như Nga, Saudi Arabia…, để dẫn đầu thế giới về khối lượng sản xuất dầu.
Theo JODI, vào tháng 1 năm 2019, Saudi Arabia đã sản xuất 10,243 triệu thùng dầu mỗi ngày. Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu ở Hoa Kỳ đã lên tới con số 11.881 triệu thùng/ngày trong tháng 1, tăng 32 triệu thùng so với 11.849 triệu thùng vào tháng 12 năm ngoái.
Trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Nga Sputnik, chuyên gia an ninh năng lượng độc lập Omid Shukri Kalehsar (người Iran sống ở Washington) đã bình luận về tình huống này. Ông lưu ý rằng, các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela sẽ giúp Mỹ chiếm lĩnh thị phần của hai nước này.
Nhờ kết quả của cuộc cách mạng đá phiến, Hoa Kỳ - nước trước đây còn phải nhập khẩu dầu thô - đã có thể tự cấp năng lượng và trở thành một trong những nhà cung cấp khí đốt đường ống và LNG (khí hóa lỏng) lớn nhất cho cả các nước láng giềng và các đồng minh, chủ yếu cho châu Âu.
Đối với Hoa Kỳ, việc xuất khẩu năng lượng là một yếu tố được sự dụng để gây ảnh hưởng, chi phối trong mối quan hệ với các quốc gia khác. Yếu tố gây bất ổn chính trị cùng với các biện pháp trừng phạt là nhân tố chủ chốt quyết định chính sách đối ngoại của Mỹ.
Nói về các mục tiêu của chính sách này, chuyên gia Iran nhận xét rằng, Hoa Kỳ đã giành danh hiệu nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới và các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela giúp Mỹ chiếm lĩnh thị phần của hai nước này trên thị trường thế giới.
Nỗi khốn cùng của kẻ này sẽ là cơ hội kiếm lợi lớn của kẻ khác và bất ổn chính trị cùng với các đòn trừng phạt mà Washington giáng xuống Iran và Venezuela sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ.
Do đó, các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela không chỉ nhằm mục đích đánh quỵ các chính quyền không thân thiện với Mỹ ở các nước này, mà còn góp phần mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ.
Mỹ đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới
Xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela và Iran giảm mạnh
Mỹ đã nhiều lần áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran. Đợt trừng phạt gần đây nhất được áp dụng vào ngày 4 tháng 11 năm ngoái, dẫn đến việc lượng dầu thô xuất khẩu của Iran giảm đáng kể.
Xuất khẩu dầu mỗi ngày trong năm nay của Iran trong tháng 3/2019 giảm xuống mức thấp nhất, ngay cả trước khi Washington chính thức yêu cầu các quốc gia nhập khẩu giảm mua để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo số liệu thống kê của Refinitiv Eikon và ba công ty khác theo dõi xuất khẩu của Iran, xuất khẩu dầu mỏ của nước này đạt trung bình từ 1,0 tới 1,1 triệu thùng/ngày từ đầu tháng tới nay.
Con số này thấp hơn số liệu tháng 2/2019, khi Tehran xuất khẩu ít nhất 1,3 triệu thùng/ngày, nhưng sự suy giảm của nó còn chưa là gì khi so với con số 2,7 triệu thùng/ngày của tháng 5/2018, thời điểm Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Nếu Mỹ tiếp tục duy trì chính sách trừng phạt và đến vào tháng 5 họ không gia hạn khoản thời gian miễn trừ lệnh trừng phạt được cấp cho tám quốc gia nhập khẩu dầu của Iran (trong đó có các đồng minh của Mỹ như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…), có khả năng lượng dầu thô xuất khẩu của Iran sẽ giảm hơn nữa.
Về phía Venezuela, xuất khẩu dầu thô của nước này đã giảm tới 40% trong tháng 1/2019, do tác động của các biện pháp trừng phạt mới mà chính quyền Mỹ áp đặt, nhằm gây sức ép đối với chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro, ủng hộ “chính quyền lâm thời Juan Guaido”.
Ngày 28/2, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA cho biết, xuất khẩu dầu thô của nước này đã giảm tới 40%, từ mức 1,66 triệu thùng/ngày xuống còn 920.000 thùng/ngày do tác động của các biện pháp trừng phạt mới mà chính quyền Mỹ đưa ra.
Với việc Mỹ ngày càng gia tăng các biện pháp trừng phạt mới đối với Tehran và Caracat, giới chuyên gia dự đoán rằng, xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela và Iran sẽ tiếp tục giảm mạnh và dĩ nhiên là sẽ có các nước khác gia tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu để bù đắp. Và dĩ nhiên khi họ không thể mua của Iran, Venezuela và Nga, họ sẽ quay sang mua dầu mỏ của Mỹ, bất chấp thực tế là giá cả có thể cao hơn một chút.
Nguồn tin: baodatviet.vn