Giá xăng giảm hay tăng, người tiêu dùng vẫn phải nộp Quỹ Bình ổn giá (BOG) 300 đồng/lít (trong cấu thành giá bán lẻ xăng dầu).
Giá xăng giảm hay tăng, người tiêu dùng cũng vẫn phải nộp Quỹ Bình ổn giá (BOG) 300 đồng/lít là bất hợp lý - Ảnh: K.Linh
Mức trích không linh hoạt khiến số dư quỹ cao, một khoản tiền của người tiêu dùng nằm tại chỗ không sinh lời. Chưa kể, câu hỏi đặt ra tại sao doanh nghiệp (DN) không tham gia trích bình ổn giá mà chỉ mỗi người tiêu dùng “gánh”?
Giá giảm trích, giá tăng cũng trích
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất (21/9), Liên Bộ Tài chính - Công thương đã quyết định chi sử dụng Quỹ BOG với xăng E5 RON92 là 1.563 đồng/lít, xăng RON95 960 đồng/lít, dầu diesel 400 đồng/lít... Mức chi này đã được điều chỉnh tại các kỳ điều hành để phù hợp với diễn biến giá. Tuy nhiên, mức trích quỹ lại không được linh hoạt như vậy khi giá xăng, dầu biến động tăng giảm mà trong suốt thời gian dài vẫn được chốt 300 đồng/lít. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), điều này là vô lý.
Trước đó, báo cáo kết quả kiểm toán giai đoạn 2015-2016 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cũng cho rằng, vừa trích vừa chi cùng lúc là không hợp lý dù thực hiện đúng theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Khi thực hiện cả trích và chi quỹ thì sau khi bù trừ cho nhau, giá xăng dầu vẫn không được hỗ trợ đáng kể, nhiều trường hợp vẫn phải tăng giá trong khi số dư quỹ tại nhiều DN vẫn lớn.
Đơn cử, từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng dầu có 18 đợt điều hành, trong đó có 2 lần giảm, 6 lần tăng giá (với mức tăng tổng cộng khoảng 2.649 đồng/lít) và 10 lần giữ ổn định giá. Để ổn định giá cho 10 lần này, Liên Bộ Công thương – Tài chính đã quyết định chi sử dụng Quỹ tổng cộng khoảng 18.466 đồng/lít. Tính đến 31/8/2018, đã chi sử dụng Quỹ BOG ước khoảng 5.500 tỷ đồng để điều hành giá xăng. Nhưng tính đến thời điểm này, số dư Quỹ vẫn khá lớn, khoảng 3.100 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2016 số tiền trích quỹ là 5.455,2 tỷ đồng, số tiền sử dụng quỹ 7.051 tỷ đồng, năm 2017 trích 5.524,6 tỷ đồng, số tiền sử dụng quỹ 2.872,6 tỷ đồng. Sau khi bù trừ, số dư quỹ đến cuối các kỳ công bố đều ở trạng thái dương: Tổng số dư Quỹ BOG cuối năm 2016 là 2.389,8 tỷ đồng, cuối năm 2017 là 5.105 tỷ đồng. Trong 26 DN kinh doanh xăng dầu, Petrolimex là đơn vị luôn có số quỹ dương cao nhất. Đến hết quý II/2018, số dư tại DN này lên đến hơn 2.269 tỷ đồng, chiếm 60% tổng số dư của quỹ. Trong khi đó, Công ty TNHH TM và DV Hưng Long có số quỹ âm lớn nhất là hơn 33,9 tỷ đồng.
Từ thực tế trên, KTNN cho rằng, chỉ trích lập Quỹ BOG khi giá giảm (không thực hiện chi) nhằm tạo nguồn cho quỹ và thực hiện chi từ quỹ (không thực hiện trích) khi giá tăng để hạn chế việc tăng giá mạnh. Nếu thực hiện được như vậy thì giá xăng dầu mới ổn định và chỉ tăng giá khi quỹ BOG bị thiếu.
Quản lý quỹ để có lợi cho người tiêu dùng
Việc sửa Nghị định 83 đã được xem xét từ nhiều tháng nay. Theo một chuyên gia ngân hàng, Quỹ BOG hoàn toàn có thể loại bỏ được nếu các DN sử dụng nghiệp vụ và hợp đồng tương lai để nhập khẩu xăng dầu. Như vậy, vừa giảm thiểu biến động tỷ giá, vừa giảm thiểu biến động của giá dầu thế giới. Nhưng để làm được việc này DN phải có năng lực. Còn trong bối cảnh hiện nay, theo TS. Ngô Trí Long, thị trường xăng dầu không có tính cạnh tranh nên giá không theo thị trường mà do Nhà nước quyết định theo diễn biến thị trường. Để quản lý quỹ, nên thu về một mối, không thể để ở từng DN như hiện nay. Bên cạnh đó, hiện nguồn đầu vào của quỹ mới chỉ do người dân đóng góp (trong cấu thành giá bán lẻ xăng dầu). Tại sao DN không trích một phần từ lợi nhuận có được từ kinh doanh xăng dầu?
Trong khi đó, cho rằng cần xem xét mức sử dụng, trích và quản lý quỹ như thế nào để hiệu quả nhất, không gây bất lợi, thiệt thòi cho người tiêu dùng, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, việc DN mở tài khoản riêng số dư của quỹ tại ngân hàng thương mại là đúng nhưng bao năm nay lãi suất tiền gửi không kỳ hạn số dư quỹ hàng nghìn tỷ đồng khiến người tiêu dùng rất thiệt thòi. TS. Độ tính toán, khi gửi 1 nghìn tỷ đồng với lãi suất không kỳ hạn hiện phổ biến 0,2%/năm thì chỉ nhận được có 2 tỷ đồng/năm. Còn nếu gửi lãi suất 1 tháng (4,3%/ năm) thì tiền lãi mỗi năm cũng lên tới 43 tỷ đồng. Số tiền này nếu được bổ sung vào Quỹ BOG thì tăng thêm nguồn cho quỹ. “Chính vì vậy, cần phải sửa đổi kỳ hạn gửi lãi suất số dư của quỹ, không thể để lãi suất không kỳ hạn”, TS. Độ đề nghị.
“Bên cạnh đó, Liên bộ Tài chính - Công thương nên nghiên cứu và đánh giá mức trích quỹ 300 đồng/lít, kg xăng, dầu như lâu nay có phù hợp. Chúng ta để mức trích quỹ 300 đồng/lít xăng dầu trong gần chục năm nay, dù giá dầu thô có lên hay xuống và mức rất thấp như năm 2016 với 30-40 USD/thùng mức trích quỹ vẫn như khi trên 100 USD/thùng”, TS. Độ nói và đề nghị nên linh hoạt mức trích quỹ giá xăng dầu, có thể trích mức nhiều hơn khi giá trong nước xuống thấp và trích thấp hơn khi giá xăng dầu tăng cao và ngưng trích khi số dư quỹ đủ lớn chứ không nên cứng nhắc mức trích như hiện nay.
Sử dụng xăng dầu trong nước để giảm bớt gánh nặng
Một số ý kiến cho rằng, để giảm bớt gánh nặng nhập khẩu nên chuyển hướng sang sử dụng nhiều xăng dầu trong nước với giá thành rẻ hơn. Trên thực tế, lượng nhập khẩu xăng dầu đã giảm dần: Theo số liệu từ Hải quan, tháng 7, các doanh nghiệp chi 550 triệu USD nhập khẩu 820.439 tấn, giảm 41% cả lượng và giá trị nhập khẩu; tháng 8 lượng nhập khẩu cũng giảm thêm khoảng hơn 5% nữa. Dự kiến, trong giai đoạn 2018-2022, cả nước tiêu thụ khoảng 6,5 triệu tấn xăng, 8,5 triệu tấn dầu DO. Với công suất hiện nay, hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất có thể đáp ứng được 70% nhu cầu trong nước.
Nguồn tin: baogiaothong.vn