Theo Reuters, cuộc họp dự kiến diễn ra giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga nhằm thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ đã bị hoãn đến ngày 9-4 tới. Mặc dù tuyên bố nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ, song cuộc tranh cãi giữa Nga và A-rập Xê-út vẫn tiếp diễn. A-rập Xê-út bác bỏ cáo buộc của Nga rằng việc Riyadh rút khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong OPEC và các đối tác (OPEC+) khiến giá dầu giảm mạnh.
Ảnh minh họa
★ Ngày 4-4, Tổng thống Mỹ D.Trump khẳng định ông sẽ áp thuế đối với dầu thô nhập khẩu hoặc thực hiện các biện pháp khác để bảo vệ người lao động ngành năng lượng. Tuyên bố này được đưa ra khi giá dầu liên tục lao dốc gây ảnh hưởng tới ngành công nghiệp sản xuất dầu mỏ của Mỹ.
★ Cùng ngày, Na Uy, nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất Tây Âu cho biết, sẽ xem xét cắt giảm sản lượng dầu mỏ nếu một thỏa thuận toàn cầu nhằm hạn chế nguồn cung được các nhà sản xuất lớn nhất thế giới đạt được.
Tuy không phải là thành viên OPEC và chỉ đáp ứng 2% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu, song Na Uy đã thể hiện sự sẵn sàng cắt giảm sản lượng góp phần ổn định thị trường.
★ Công ty Dầu mỏ quốc gia Abu Dhabicủa Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) cam kết đạt mục tiêu tăng năng lực sản xuất dầu mỏ nhằm bảo đảm nguồn cung các sản phẩm năng lượng đáng tin cậy và ổn định cho các khách hàng trên toàn cầu. Giám đốc điều hành của công ty này cho biết, bất chấp giá dầu giảm mạnh, công ty sẽ tiếp tục đầu tư một cách có trách nhiệm.
★ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo, việc cắt giảm 10 triệu thùng dầu/ngày chưa đủ để chống lại sự suy giảm mạnh về nhu cầu dầu mỏ. Ngay cả với mức cắt giảm như vậy, lượng dầu tồn trong các kho tiếp tục tăng 15 triệu thùng/ngày trong quý II năm nay.
Nguồn tin: nhandan.com.vn