Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu (Kỳ 1)

Trước khi lực lượng công an phá vụ án Trịnh Sướng và đồng bọn sản xuất, tiêu thụ xăng giả, trong thực tế, xăng rởm, xăng kém chất lượng đã xuất hiện trên thị trường nước ta từ lâu. Việc quản lý chất lượng xăng dầu còn tồn tại nhiều kẽ hở, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ.

Có một thực tế mà ít người nhắc đến: Sự bùng nổ về số lượng doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thường gọi là “đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu” thời gian qua. Cũng có ý kiến cho rằng, đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng mất khả năng kiểm soát chất lượng xăng dầu của các cơ quan chức năng.


Người dân nên chọn mua xăng tại các doanh nghiệp lớn, có uy tín

Trong danh sách các thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đăng trên website của Bộ Công Thương, con số được ghi nhận hiện nay là 33 thương nhân, trong khi năm 2012 chỉ có 13 thương nhân.

Trong khi đó, xét về thị phần bán lẻ xăng dầu hiện nay, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có thị phần gần 50%, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL) xấp xỉ 20%. Nếu tính thêm thị phần của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lâu năm như Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), Tổng công ty Xăng dầu Quân đội… khoảng 6-7% nữa, thị phần của hơn 20 thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu chỉ còn hơn 20% (trừ 3 doanh nghiệp chỉ được kinh doanh nhiên liệu máy bay).

Trên các diễn đàn và công luận, những thương nhân đầu mối kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu lớn như Petrolimex, PVOIL, Saigon Petro… luôn than phiền về việc kinh doanh xăng dầu không mang lại lợi nhuận cao như mọi người nhầm tưởng.

Số liệu nhập khẩu xăng dầu được thống kê bởi cơ quan hải quan cho thấy, trong 6 tháng năm 2019, lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước đã giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị. Nguyên nhân là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có thể đáp ứng tới 70% nhu cầu xăng dầu cả nước.

Song, sự đổ bộ của đông đảo doanh nghiệp tư nhân vào danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đã dẫn đến nhiều hệ lụy.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2018, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước khoảng 18,6 triệu m3/tấn. Sản xuất xăng dầu trong nước năm 2018 đáp ứng khoảng trên 60% tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu, báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2018, diesel tiếp tục là mặt hàng có lượng nhập khẩu nhiều nhất, đạt 6,33 triệu tấn, trị giá 4,13 tỉ USD. Xăng là mặt hàng có lượng nhập khẩu giảm mạnh nhất, chỉ đạt 2,05 triệu tấn, trị giá 1,57 tỉ USD.


Có thể thấy sơ bộ rằng, dù chỉ chiếm thị phần vỏn vẹn 20% (tương đương doanh thu 1,2 tỉ USD) nhưng đây là “miếng bánh cực kỳ ngon, bổ” khiến các doanh nghiệp tư nhân sống khỏe, sẵn sàng sử dụng các “chiêu trò” qua mặt lực lượng chức năng.

Hiện nay cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó, các cửa hàng thuộc hệ thống của 13 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu chỉ có trên 3.000 (chiếm 25 - 30%), số còn lại là các cửa hàng của đại lý, tổng đại lý, nhượng quyền.

Bài báo này không đề cập đến chuyện vì sao nhiều doanh nghiệp tư nhân được cấp phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với rất nhiều điều kiện ngặt nghèo như kho bãi, phương tiện vận chuyển, kỹ thuật chứa xăng dầu, phòng cháy chữa cháy…, mà chỉ tổng hợp các thủ đoạn gian lận trong kinh doanh xăng dầu theo thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường như gian lận về chất lượng, khối lượng và gần đây là sản xuất xăng giả.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự nở rộ của các đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu gần đây đã tạo nên những kẽ hở để “buôn lậu”, “lậu” về số lượng và “lậu” về chất lượng. Đơn cử như khai “gian” số lượng, tàu nhập 5.000m3 xăng dầu, khai gian xuống chỉ còn 2.000m3, lợi nhuận thu được không nhỏ, bởi mỗi lít xăng giá hơn 20.000 đồng, trong đó chiếm gần 1/2 là thuế và phí các loại. Do các đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu có hệ thống chân rết nhiều cây xăng bán lẻ, người dân mua xăng dầu không cần lấy hóa đơn, không biết rõ về chất lượng, nên doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu có thể vô tư lợi dụng kẽ hở này để hợp pháp hóa việc nhập nhiều nhưng khai ít, vừa trốn thuế vừa kiếm lợi từ người tiêu dùng.

Vụ án đường dây sản xuất và buôn bán xăng giả của Trịnh Sướng và đồng bọn là một ví dụ rất rõ ràng về gian lận chất lượng. Theo công bố của cơ quan điều tra, từ ngày 1-1-2017 đến nay, số tiền các đối tượng dùng để mua dung môi, các chất làm tăng chỉ số octan là 4.200 tỉ đồng, có khoảng 350 triệu lít xăng giả đã được sản xuất và bán ra thị trường (theo lời khai ban đầu của các bị can là gần 19,5 triệu lít, thu lợi 135 tỉ đồng).

Trước thực trạng đó, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - thừa nhận: Hiện nay đang có bất cập trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu “thiên biến vạn hóa”, không thể kiểm soát nổi, có hiện tượng gian lận.

Ông Đông cho biết thêm, hiện có 33 thương nhân đầu mối xuất, nhập khẩu xăng dầu được phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hằng năm, pha chế xăng dầu, mua bán xăng dầu, nguyên liệu với các thương nhân đầu mối khác.

Các đầu mối này được phân phối xăng dầu qua hệ thống bán lẻ trực thuộc và bán qua các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu. Hệ thống các tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu, theo quy định hiện hành, mỗi hệ thống chỉ được quyền nhập xăng dầu từ một thương nhân đầu mối/phân phối. Quy định hiện hành cũng buộc các thương nhân đầu mối/phân phối, tổng đại lý, đại lý phải kiểm soát chặt chẽ hệ thống bán lẻ của mình, chịu trách nhiệm liên đới khi các cửa hàng bán lẻ có các hành vi vi phạm.

Hiện nay cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó, các cửa hàng thuộc hệ thống của 13 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu chỉ có trên 3.000 (chiếm 25-30%), số còn lại là các cửa hàng của đại lý, tổng đại lý, nhượng quyền bán lẻ xăng dầu.

Như vậy, dù quy định của pháp luật rất chặt chẽ, song lực lượng chức năng có cố gắng thế nào cũng không thể “quản” nổi số lượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu khổng lồ đó. Nếu không giải quyết vấn đề tận gốc, rất có thể sẽ có thêm những “Trịnh Sướng” nữa.

Nguồn tin: petrotimes.vn


ĐỌC THÊM