Từ ngày 1/1/2016, thuế nhập khẩu (NK) xăng dầu từ Hàn Quốc theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc còn 10%. Trong khi đó, thuế NK từ thị trường truyền thống ASEAN vẫn là 20%.
Với lợi thế mức thuế NK xăng dầu từ Hàn Quốc thấp bằng 1/2 so với từ khu vực khác, Hàn Quốc gần như đã trở thành thị trường độc quyền đối với xăng NK của Việt Nam. Vấn đề là người dân chưa được hưởng lợi trong khi ngân sách cũng bị thiệt thòi.
Ảnh minh họa
9 tháng năm nay, nguồn xăng dầu NK từ Hàn Quốc đã chiếm 22,5% tổng lượng xăng dầu nhập về Việt Nam; riêng mặt hàng xăng, có đến 90% kim ngạch NK được nhập từ thị trường này với hơn 2,1 triệu tấn. Đây là lý do vì sao kim ngạch NK xăng dầu tăng khá so với cùng kỳ nhưng thu ngân sách lại giảm.
Trong khi đó, theo cơ quan hải quan, giá xăng dầu Hàn Quốc NK vào Việt Nam có mức giá cao nhất với 13,4 triệu đồng/tấn, Trung Quốc là 11,6 triệu tấn, xăng dầu từ Malaysia rẻ nhất chỉ hơn 10,6 triệu đồng/tấn. Như vậy cho thấy, dù đắt đỏ nhưng các DN vẫn “đổ xô” nhập nhiều từ Hàn Quốc để được hưởng mức thuế thấp. Điều này không chỉ gây thiệt cho ngân sách, mà còn thiệt về giá cho người tiêu dùng.
Người dân cũng không được hưởng lợi khi DN nhập với thuế thấp, do được bán với thuế cao khi Bộ Tài chính đang áp mức thuế NK để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là thuế NK bình quân gia quyền theo sản lượng NK từ các nguồn khác nhau, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau. Việc áp mức thuế NK bình quân gia quyền đã bộc lộ những bất cập lớn hơn khi phần lớn xăng được NK từ Hàn Quốc. Nên, các DN xăng dầu đầu mối lại thu được lợi lớn.
Cách tính thuế NK xăng dầu hiện nay giúp các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối thu lợi lớn mỗi ngày, trong khi ngân sách và người tiêu dùng thiệt. Chưa kể, một số chuyên gia cũng cảnh báo, do có mức chênh lệch thuế rất lớn giữa Hàn Quốc và ASEAN, nên có thể có tình trạng DN gian lận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế. Trong cơ chế thuế NK xăng hiện nay, cần kiểm tra xem các DN có lấy mức thuế NK 20% làm cơ sở để xác định mức giá bán lẻ xăng dầu trong nước hay không, trong khi gần 100% lô hàng xăng được nhập về với mức thuế suất 10%. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, nên giảm hết thuế NK về bằng mức của thị trường thấp nhất (10% đối với xăng NK từ Hàn Quốc) thay vì giữ nhiều mức thuế như hiện nay.
Nguồn tin: Antt.vn