Kim ngạch nhập khẩu (NK) xăng từ Hàn Quốc trong 8 tháng chiếm đến 96% tổng kim ngạch NK xăng về Việt Nam, riêng trong quý I năm nay tỷ lệ này tăng lên 97%.
Tại sao lại có sự độc quyền về thị trường NK xăng dầu như vậy? Thực tế nó gây ra hậu quả gì đối với nguồn thu ngân sách và hoạt động kinh doanh của các DN?
Chênh chệch thuế quá lớn
Thuế suất NK đối với mặt hàng xăng đang có sự chênh lệch lớn giữa thị trường Hàn Quốc với các thị trường khác. Theo đó, thuế suất MFN (ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế) đối với nhóm xăng các loại là 20%, thuế suất NK xăng theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2016-2018 (thuế suất ATIGA) là 20%, và thuế suất NK xăng theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) trong giai đoạn 2016-2020 là 10%.
Do có sự chênh lệch lớn giữa thuế suất MFN, thuế suất ATIGA và thuế suất theo cam kết VKFTA nên thị trường NK xăng dầu của các DN Việt Nam đã dịch chuyển mạnh từ khu vực ASEAN và các đối tác khác sang NK từ thị trường Hàn Quốc, để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 10% theo VKFTA.
Nhờ mức thuế suất NK ưu đãi này, Hàn Quốc gần như đã trở thành thị trường độc quyền đối với xăng NK của Việt Nam. Cụ thể, năm 2016, tổng kim ngạch NK xăng của Việt Nam khoảng 1,25 tỷ USD, trong đó 75% NK từ Hàn Quốc. Và trong quý I-2017, kim ngạch nhập xăng khoảng 467 triệu USD, trong đó 97% NK từ Hàn Quốc, con số này theo đánh giá sẽ tăng lên 100% trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng khó hiểu với việc áp thuế nhập khẩu xăng của Bộ Tài chính.
DN trong nước bị ép giá
Theo thông tin phản ánh của một số DN NK xăng dầu trong nước, sự chênh lệch lớn về mức thuế suất NK xăng giữa thị trường Hàn Quốc và khu vực khác, dẫn đến các DN Việt Nam phải chịu các điều khoản và mức giá bất lợi hơn nhiều so với các đối tác NK khác.
Tại cùng 1 thời điểm và cùng 1 loại xăng, DN Việt Nam phải mua với mức giá cao hơn so với các đối tác khác và so với mặt bằng giá chung tại thị trường Hàn Quốc. Hơn nữa, các DN Hàn Quốc cũng lợi dụng mức thuế NK theo VKFTA để ép giá các DN NK xăng dầu Việt Nam, bởi với lợi thế mức thuế NK xăng dầu từ Hàn Quốc bằng một nửa so với mức thuế NK từ Asean và các khu vực khác, thì dù phải mua với giá cao, chi phí NK xăng từ Hàn Quốc vẫn rẻ hơn, DN Việt Nam không có lựa chọn.
Có thể thấy, theo các cam kết thuế theo VKFTA đang làm lợi cho các DN xuất khẩu xăng dầu Hàn Quốc. Thậm chí có nhiều DN xuất khẩu xăng dầu của các nước khác trong khu vực như Singapore, Malaysia… chỉ cần ngồi tại chỗ xuất khẩu xăng sang Việt Nam thông qua nguồn NK từ thị trường Hàn Quốc, cũng kiếm lời nhờ chính sách thuế chênh lệch quá lớn.
Thực trạng này dẫn đến giảm thu ngân sách nhà nước và mức thuế suất MFN không mang nhiều ý nghĩa. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đang đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất MFN đối với các loại xăng mã 2710.12.11 - 2710.12.16 từ mức 20% về 12%, nhằm đảm bảo mức chênh lệch hợp lý giữa thuế suất MFN và thuế suất VKFTA.
Nếu giảm thuế sẽ giảm thế độc quyền từ thị trường Hàn Quốc, tạo mặt bằng cạnh tranh bình đẳng về giá giữa các thị trường NK, góp phần đa dạng hóa nguồn NK, đảm bảo tính thực tiễn của biểu thuế MFN. Phương án này cũng góp phần tăng thu thuế VAT và các loại thuế nội địa khác, do sự dịch chuyển NK xăng từ Hàn Quốc qua thị trường các nước Asean với thuế MFN cao hơn.
Ngân sách thiệt thòi
Với 97% mặt hàng xăng được nhập từ Hàn Quốc, đồng nghĩa với việc Việt Nam chỉ thu được 10% thuế NK xăng dầu, còn mức thuế MFN đang 20% lại không có ý nghĩa thực tế áp dụng, bởi hầu như không có mấy DN đi nhập tại thị trường khác.
Theo Tổng cục Hải quan, nếu thực hiện việc giảm thuế MFN với các mặt hàng xăng xuống 12% trong thời gian tới, sẽ tạo ra mức chênh lệch thuế hợp lý giữa các thị trường NK xăng dầu khoảng 2%. Việc điều chỉnh này dự kiến còn làm tăng thu ngân sách nhà nước thêm khoảng 16 triệu USD. Và việc giảm thuế MFN xuống 12% tại thời điểm hiện nay không ảnh hưởng đến các cam kết FTA đã tham gia, và không ảnh hưởng đến cam kết WTO.
Việc duy trì mức thuế suất MFN 20% với các mặt hàng xăng trong thời gian qua được cơ quan thuế lý giải một phần để khuyến khích DN mua xăng trong nước. Vì hiện nay trong nước đã có 2 nhà máy lọc dầu đi vào vận hành, trong đó Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã có sản phẩm kinh doanh thương mại vào tháng 7-2017, nhà máy Lọc dầu Dung Quất có sản lượng xăng dầu chiếm 40% thị phần.
Nguồn tin: saigondautu.com.vn