Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bảo vệ an toàn các dự án, công trình dầu khí

 Với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), các đơn vị trực thuộc nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 14 (đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới) đã kịp thời, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, nhằm bảo vệ an toàn các dự án, công trình dầu khí trên biển cũng như trên bờ.

Ông Vũ Đào Minh, Phó Trưởng ban Khai thác Dầu khí Petrovietnam cho biết, lãnh đạo Petrovietnam, lãnh đạo các đơn vị quản lý dự án đang khai thác dầu khí trên Biển Đông đã liên hệ và chủ động phối hợp với các nhà thầu triển khai kế hoạch ứng phó với áp thấp nhiệt đới bão số 14. Trên các giàn khai thác, đã thực hiện tăng cường gia cố thiết bị, chằng buộc vật tư, thực hiện kế hoạch di chuyển cán bộ công nhân viên trong trường hợp khẩn cấp theo đúng quy trình vận hành, an toàn tại từng lô thăm dò khai thác dầu khí.

Hiện nay, do gió và sóng đang rất cao, khu vực lô 05.1A đã đưa một số cán bộ công nhân viên vào bờ. Theo tính toán của các chuyên gia, tình hình sóng gió trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới bão số 14 trong tầm kiểm soát, các nhà thầu và đơn vị trực thuộc Petrovietnam vẫn theo dõi sát sao thông tin về áp thấp nhiệt đới bão số 14, tùy diễn biến sẽ thực hiện ứng phó phù hợp, dừng hoặc tiếp tục vận hành.

Đại diện Vietsovpetro, đơn vị có các khu vực mỏ Bạch Hổ, Thiên Ưng, Rồng, chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới bão số 14 cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Petrovietnam, trên tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của cơn bão, Vietsovpetro chỉ đạo các đơn vị cơ sở, đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp tổ chức và kỹ thuật để ứng phó với cơn bão số 14 theo “Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Vietsovpetro”.

Cụ thể, hướng dẫn cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV) về đảm bảo các yêu cầu an toàn khi tiến hành công việc sản xuất trong mùa mưa bão; tiến hành kiểm tra và đảm bảo tính năng hoạt động của các hệ thống sự cố, hệ thống đảm bảo an toàn công nghệ, các phương tiện và hệ thống chữa cháy, phương tiện cứu sinh, phương tiện và hệ thống liên lạc cũng như các phương tiện ứng cứu sự cố,… Tại các công trình biển, dự phòng đủ nước, lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, nguyên liệu, hóa phẩm, trang thiết bị cho sinh hoạt. Khi có áp thấp nhiệt đới bão đi qua tất cả CBCNV phải ở bên trong các block nhà ở và phòng điều khiển, nghiêm cấm có mặt ngoài các vị trí nói trên.

Theo dự kiến, áp thấp nhiệt đới bão số 14 sẽ không ảnh hưởng tới các lô dầu khí đang hoạt động trên Biển Đông của Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP). Tuy nhiên, PVEP đã chủ động triển khai các công tác phòng, chống bão, sẵn sàng cho tình huống diễn biến đường đi của áp thấp nhiệt đới bão số 14 ảnh hưởng tới các lô dầu khí đang hoạt động.

Tại Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS đã triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 14 đến tất cả các đơn vị theo kế hoạch ứng cứu của PV GAS và chỉ đạo của Tập đoàn. PV GAS và các đơn vị đang tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết để triển khai phương án ứng phó, tính đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở, đơn vị nào bị thiệt hại. Bên cạnh đó, các đơn vị dầu khí trên biển, trên bờ, từ khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cụm Khí-Điện-Đạm Cà Mau đều lên các phương án sẵn sàng tham gia hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương (Bộ TN&MT), hồi 1h, ngày 22/12 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách bãi Huyền Trân (Bà Rịa-Vũng Tàu) khoảng 220 km về phía đông-đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 70 m tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nối với áp thấp nhiệt đới phân tích trên nên khu vực giữa và Nam Biển Đông có mưa giông. Vùng biển phía tây khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 4 - 6 m.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 1, riêng vùng biển phía tây khu vực giữa và nam Biển Đông cấp 3.

Nguồn tin: Báo điện tử

ĐỌC THÊM