|
Khách mua xăng tại cửa hàng kinh doanhxăng, dầu số 1 Trần Hưng Đạo (Hà Nội). |
Trên bước đường phát triển thành tập đoàn kinh tế kinh doanh đa ngành TCT đã xác định những bước đi cụ thể góp phần thực hiện năm nhóm giải pháp của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Xác định các mục tiêu định hướng
Khi cơ chế kinh doanh xăng, dầu thật sự vận hành theo thị trường, giảm can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính và cơ chế định giá rõ ràng hơn, DN kinh doanh phải bám sát giá thị trường thế giới, chủ động tính toán, tổ chức điều hành kinh doanh sát thực tế.
Năm 2009 là năm đầu tiên cơ cấu tạo nguồn có thay đổi khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động cho sản phẩm vào tháng 2 sẽ góp phần giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu như các năm trước. Những nhân tố mới đặt ra yêu cầu về tổ chức, triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và chắc chắn cơ chế kinh doanh cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2009 của các đơn vị trong TCT ngay từ những ngày đầu năm kế hoạch.
Với vai trò là DNNN chủ lực trong lĩnh vực bán lẻ xăng, dầu, TCT chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện năm giải pháp trọng tâm của Chính phủ. Trong đó, ưu tiên nhiệm vụ bảo đảm nguồn xăng, dầu và các sản phẩm hóa dầu, từng bước xây dựng và phát triển hệ thống bán lẻ trực tiếp góp phần chủ động ổn định thị trường, kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng và bình ổn thị trường nội địa.
Trong tổ chức kinh doanh, tiếp tục duy trì cơ cấu kinh doanh đa ngành với mục tiêu ổn định và phát triển thị phần, gia tăng giá trị, hiệu quả trên sản lượng kinh doanh. Ðối với các lĩnh vực kinh doanh ngoài xăng, dầu hướng tới mục tiêu tăng dần tỷ trọng thị trường ngoài TCT. Phấn đấu đạt mức tăng trưởng sản lượng xăng dầu và sản phẩm hóa dầu từ 5 đến 7% so với năm 2008, khôi phục thị phần mặt hàng ga, đạt sự tăng trưởng khá trên các lĩnh vực kinh doanh khác với cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận.
Tiếp tục quá trình tái cấu trúc TCT từ văn phòng TCT đến các đơn vị ở tất cả mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo định hướng hình thành tập đoàn kinh tế vận hành theo mô hình công ty mẹ - con, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản trị DN. Triển khai đồng bộ, có kết quả các dự án đầu tư phát triển trọng điểm, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, đồng thời duy trì và bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, tài sản trên mọi lĩnh vực và công đoạn của quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của TCT trong năm 2009: tổng doanh thu 99.400 tỷ đồng; tổng sản lượng xăng, dầu bán ra 8,6 triệu m3, tấn; trong đó, bán nội địa 7,16 triệu m3, tấn; tổng lợi nhuận 2.500 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu là 1.650 tỷ đồng; tổng giá trị đầu tư: 3.000 tỷ đồng; tổng nộp ngân sách Nhà nước 21.000 tỷ đồng; trong đó, 20.000 tỷ đồng từ lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu.
Coi trọng khâu bán lẻ
TCT tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Về tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm nguồn để bình ổn thị trường; nâng cao chất lượng công tác dự báo, cân đối sức chứa linh hoạt trong điều động hàng hóa, bảo đảm tối ưu hóa hàng tồn kho; tiếp tục triển khai nghiệp vụ kỹ thuật để ổn định và tạo lợi thế cạnh tranh ngay từ giá vốn hàng nhập.
Triển khai cơ chế kinh doanh xăng, dầu với đối sách thích ứng theo từng vùng thị trường, từng kênh bán hàng nhằm phản ánh xác thực mức độ cạnh tranh và hiệu quả các phương thức bán hàng. Gia tăng sản lượng bán trực tiếp qua kênh bán lẻ và đại lý. Ðặc biệt củng cố và phát triển hệ thống cửa hàng bán lẻ, nâng hiệu quả và lượng bán lẻ trực tiếp, coi mở rộng thị phần bán lẻ là yếu tố quan trọng hàng đầu. Tiếp tục tối ưu hóa mạng lưới vận chuyển theo các đường vận động hàng hóa hợp lý cho từng vùng thị trường, phấn đấu giảm chi phí; đánh giá và triển khai việc tái cấu trúc, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của các kho đầu mối.
Bảo đảm nguồn vốn theo quy hoạch, định hướng ưu tiên tiếp cận các nguồn vốn dài hạn đáp ứng cho các dự án đầu tư phát triển; xây dựng phương án huy động vốn từ phát hành trái phiếu DN cho các dự án lớn; quản lý chặt chẽ nguồn tiền bán hàng phục vụ yêu cầu kinh doanh. Các công ty cổ phần chủ động phát hành tăng vốn theo lộ trình. Rà soát, xem xét sửa đổi phân cấp tài chính trong quản lý vốn góp tại DN khác. Hoàn thiện cơ chế quản lý chi phí của từng mặt hàng và chu kỳ kinh doanh; tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.
Ðổi mới phương thức kinh doanh, tổ chức lại năng lực chuyên ngành giữa các công ty xăng, dầu và công ty cổ phần hoặc giữa các công ty cổ phần với nhau nhằm phát huy mức cao nhất khả năng chung. Ðặc biệt chú trọng lĩnh vực tài chính, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh hóa dầu, ga, lĩnh vực vận tải bộ, lĩnh vực kinh doanh vận tải thủy, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thiết kế, thiết bị, xây lắp và kinh doanh chuyên ngành khác.
Triển khai chương trình nhất thể hóa và quản trị thương hiệu với các kế hoạch quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi đồng bộ giữa lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và lĩnh vực phụ trợ nhằm khai thác mức cao nhất lợi thế thương mại chung của toàn TCT dưới thương hiệu Petrolimex.
Ðẩy mạnh công tác tổ chức, sử dụng lao động; áp dụng các giải pháp đồng bộ trong quản lý lao động như: định biên lao động gián tiếp hợp lý theo hướng tinh giản, hiệu quả; triển khai hình thức Hợp đồng lao động bán thời gian, tư vấn đối với những công việc đặc thù; rà soát bố trí ca kíp, lao động linh hoạt với từng thời điểm bán hàng; đẩy mạnh thực hiện cơ chế khoán quản đối với các cửa hàng xăng dầu có sản lượng thấp; thuê dịch vụ các công việc phục vụ, phụ trợ phù hợp, không để người lao động thiếu việc làm, thu nhập tương đối ổn định.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngay từ khâu tuyển dụng; xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo phù hợp, trong đó chú trọng các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, công nghệ thông tin, lọc hóa dầu, bất động sản, đội ngũ sĩ quan, thuyền viên, quản trị dự án, ngoại ngữ... để đáp ứng yêu cầu phát triển trong những năm tới.
Thực hiện giao kế hoạch tiền lương và thưởng từ quỹ tiền lương cho các đơn vị theo hướng bảo đảm nguồn quỹ tiền lương ổn định hợp lý. Nghiên cứu tiến tới xây dựng hệ thống trả lương theo công việc và chức danh công việc thống nhất toàn TCT. Về đầu tư phát triển hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư tổng thể toàn TCT để tận dụng thời cơ huy động vốn, khai thác lợi thế nhờ quy mô hoạt động lớn, giảm chi phí trên suất đầu tư.
Ðẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm như: Dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong, kho ngoại quan, kho cảng đầu mối; đầu tư phát triển đội tàu theo hướng hiện đại hóa, đa dạng chủng loại, cỡ tàu. Thực hiện nghiêm túc, có kết quả chỉ tiêu định hướng của TCT về phát triển cửa hàng xăng, dầu trên từng địa bàn và các vùng miền trong cả nước, trong đó, ưu tiên phát triển bằng cách mua lại các cửa hàng hiện có trên cơ sở nguồn vốn được xác lập từ đầu năm của TCT.
Ðặc biệt chú trọng đầu tư trang thiết bị, đào tạo con người cho công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường với trọng tâm là vấn đề xử lý nước thải tại các kho xăng, dầu, hóa dầu bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định.