Giá dầu giảm vào sáng thứ Sáu do lạm phát của Mỹ làm dấy lên lo ngại về việc tăng lãi suất và giới đầu tư chờ đợi kết quả đàm phán giữa Mỹ-Iran mà có thể dẫn đến tăng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Giá dầu Brent giao tháng 4 giảm 25 cent, tương đương 0,3%, xuống 91,16 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI giao tháng 3 giảm 15 cent, tương đương 0,2% ở mức 89,73 USD/thùng.
Giá hai chuẩn dầu cũng đang hướng tới tuần giảm đầu tiên sau bảy tuần tăng liên tiếp, mặc dù cả hai hợp đồng trước đó đã lên mức cao nhất trong bảy năm.
Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ING cho biết: "Con số lạm phát ngày hôm qua có thể gây thêm áp lực buộc Fed phải hành động mạnh tay hơn với việc nâng lãi suất. Kỳ vọng này đang đè nặng lên dầu và các loại hàng hóa khác".
"Ngoài ra, các cuộc đàm phán hạt nhân Iran dường như đang tiến triển, đó là một yếu tố nữa làm kìm hãm giá".
Chủ tịch James Bullard của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis cho biết ông muốn tăng lãi suất 1 điểm phần trăm vào ngày 1 tháng 7, sau khi dữ liệu lạm phát của Hoa Kỳ được công bố cho thấy mức tăng hàng năm lớn nhất trong 40 năm.
Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến cuộc đàm phán gián tiếp giữa Hoa Kỳ và Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân, đã được nối lại vào tuần này sau 10 ngày tạm ngừng. Một thỏa thuận có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dầu Iran và giảm bớt tình trạng nguồn cung toàn cầu eo hẹp.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết các cuộc đàm phán đã "đạt đến điểm cấp bách" và một "thỏa thuận giải quyết các mối quan tâm cốt lõi của tất cả các bên đang trong tầm ngắm."
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA cho biết: “Đợt tăng giá dầu cuối cùng cũng đã hụt hơi khi sự lạc quan tăng lên rằng các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran đang đi đúng hướng và đồng đôla Mỹ phục hồi khi thị trường tiền tệ bắt đầu tính vào giá một đợt nâng lãi suất lớn của Fed”.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết nguồn cung thắt chặt đã được chứng kiến trong các kho dự trữ dầu thô trong nước khi bất ngờ sụt giảm 4,8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 4 tháng 2 xuống còn 410,4 triệu thùng do nhu cầu sản phẩm tinh chế đạt mức kỷ lục.
Trong khi đó, OPEC chỉ nâng sản lượng dầu thô thêm 64.000 thùng/ngày vào tháng 1 năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 254.000 thùng/ngày được cho phép theo thỏa thuận OPEC+, do OPEC và các đồng minh trong nhóm OPEC+ tiếp tục không đạt được hạn ngạch và cung cấp lượng dầu ra thị trường ít hơn so với mức đã cam kết.
Trong Báo cáo Thị trường Dầu Hàng tháng (MOMR) mới đây, tổ chức này đã điều chỉnh tăng nhẹ dự báo nhu cầu dầu hàng năm cho năm 2022 thêm 10.000 thùng/ngày, lên 100,8 triệu thùng/ngày, từ mức 100,79 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng trước. Tổng tăng trưởng nhu cầu hàng năm trong năm nay vẫn được OPEC giữ ở mức 4,2 triệu thùng/ngày, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Trong một diễn biến khác, sự hỗn loạn chính trị mới tại Lybia khi Quốc hội nước này vừa mới bổ nhiệm Tân Thủ tướng, trong khi Thủ tướng đương nhiệm từ chối từ chức và được cho là mục tiêu của một vụ ám sát vào đầu ngày thứ Năm, làm tăng viễn cảnh xung đột mới cũng như phong tỏa các cảng dầu và cơ sở hạ tầng năng lượng.
Kỹ thuật
Giá dầu thô đã kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ bị phá vỡ của kênh tăng giá và giảm trở lại từ đó, giữ cho kịch bản xu hướng giảm mang tính điều chỉnh đang hoạt động, chủ yếu chờ kiểm tra mức 86,75.
Giá cần bứt phá 89,35 để dễ dàng thực hiện sứ mệnh hướng tới mục tiêu đã đề cập, lưu ý rằng việc phá vỡ 92,05 sẽ ngăn chặn đà giảm dự kiến và dẫn dắt giá lấy lại xu hướng tăng một lần nữa.
Phạm vi giao dịch dự kiến cho ngày hôm nay là giữa hỗ trợ 87,80 và kháng cự 90,90.
Xu hướng dự kiến cho ngày hôm nay: Giảm giá