Giá dầu giảm do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu thấp hơn khi các cuộc đàm phán trong tuần này giữa Mỹvà Trung Quốc được cho là sẽ không giúp chấm dứt cuộc chiến thương mại, làm tăng thêm lo lắng về nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, đã bớt kỳ vọng của họ cho các cuộc đàm phán vào thứ Năm và thứ Sáu để chấm dứt tranh chấp thương mại kéo dài 15 tháng với Mỹ. Tổng thống Trump dự kiến sẽ tăng thuế đối với khoảng 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc lên 30% từ 25% vào ngày 15 tháng 10 nếu không có dấu hiệu tiến triển.
Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu và làm chậm sự tăng trưởng của cả hai nước, hạn chế sự tăng trưởng mức tiêu thụ nhiên liệu của hai nước.
Giá dầu thô Brent giảm 11 cent, tương đương 0,2%, xuống 58,21 USD/thùng, trong khi hợp đồng WTI giảm 11 cent, tương đương 0,2%, xuống 52,48 USD/thùng.
"Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể chuyển sang điều tồi tệ nhất, sự bi quan thị trường sẽ gây áp lực tiêu cực mạnh lên giá dầu”, Benjamin Lu, nhà phân tích hàng hóa tại Phillip Futures ở Singapore cho biết.
Giá cũng bị sức ép bởi một báo cáo về dự trữ dầu thô đang tăng ở Mỹ. Cụ thể, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 2,9 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 4/10, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết hôm thứ Tư, nhiều hơn gấp đôi dự báo tăng 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích.
Ngoài ra, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã âm thầm điều chỉnh hiệp ước sản xuất để cho phép Nigeria tăng sản lượng, bổ sung thêm nguồn cung.
OPEC cho phép Nigeria tăng hạn mức lên 1,774 triệu thùng mỗi ngày từ 1,685 triệu thùng/ngày, ba đại biểu của OPEC cho biết.
Thành viên OPEC là Venezuela cũng sẽ tăng xuất khẩu bất chấp lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ đã làm hạn chế các chuyến hàng từ nước này.
Nhà máy lọc dầu Ấn Độ Reliance Industries Ltd có kế hoạch bắt đầu mua dầu thô của Venezuela sau bốn tháng tạm dừng, trong một dấu hiệu mở rộng hơn nữa nguồn cung dầu thô cho thị trường.
Kỹ thuật
Dựa trên hành động giá của tuần trước, hướng đi của thị trường dầu thô WTI tháng 11, trong tuần này, có thể được xác định theo phản ứng của thương nhân với mức 52,76.
Một động thái duy trì trên 52,76 sẽ cho thấy sự hiện diện của người mua. Nếu điều này tạo ra đủ đà tăng thì sau đó sẽ nỗ lực mở rộng thành lên 55,14. Mức giá này là một điểm kích hoạt để tăng tốc với 59,29 là mục tiêu ngắn hạn tiếp theo.
Một động thái duy trì dưới 52,76 sẽ báo hiệu sự hiện diện của người bán. Điều này có thể dẫn đến một hả năng test 50,48. Chọc thủng mức này sẽ thay đổi xu hướng chính thành giảm. Điều này có thể kích hoạt một sự gia tăng khả năng sụt giảm giá với mục tiêu cuối cùng là mức ngày 24/10/2018 tại 45.05.
Dự báo
Số liệu tồn kho dầu thô tại Mỹ cho thấy tăng tuần thứ tư liên tiếp, sau mùa lái xe cao điểm, cho dù số lượng giàn khoan của Mỹ đang ở mức thấp trong hai năm.
Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạo ra tâm lý ngại rủi ro. Giá dầu bị kéo giảm cùng với giá cổ phiếu và một số loại tài sản khác có liên quan đến kỳ vọng tăng trưởng. Tâm lý với chiến tranh thương mại sẽ vẫn vô cùng quan trọng với thị trường dầu, giá dầu WTI thử thách với ngưỡng kỹ thuật 52 USD/thùng.
Nếu thông tin từ thương mại vẫn bi quan sau vòng đám phán thương mại, giá dầu WTI sẽ thử thách với ngưỡng 50. Nếu đàm phán tốt đẹp sẽ tạo đà cho giá bứt phá vượt 55 nhưng nếu một lần nữa tiến trình đàm phán bị đổ vỡ, khả năng giá bị chọc thủng ngưỡng 50 là rất cao. Và lúc này thật khó để mà nói xác suất thành công hay thất bại của đàm phán thương mại với một tổng thống Trump cáo già mang lại rất nhiều bất ngờ cho thị trường.
Xangdau.net dự báo giá sẽ dao động cầm chừng trong phạm vi 52-55 USD và không loại trừ khả năng test mốc hỗ trợ 50 cho đến khi có kết quả đàm phán thương mại.