“Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục tiến hành các đợt thanh tra diện rộng và đột xuất về đo lường, chất lượng xăng dầu, gas trong năm 2009. Mức phạt đối với các hành vi vi phạm cũng sẽ tăng mạnh”.
|
Chíp điện tử được sử dụng để đong thiếu xăng tại cây xăng. Ảnh : PV |
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Thắng đã cam kết như vậy trong hội nghị đánh giá công tác thanh tra đo lường, chất lượng xăng dầu ở 32 tỉnh, thành phía Nam, vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.
Các đợt thanh tra xăng dầu vừa qua, nhất là đợt thanh tra kéo dài 4 tháng (từ 8-12/2008) do Bộ KH&CN chỉ đạo cơ quan KH&CN các địa phương thực hiện được Chính phủ và người dân đánh giá cao do phát hiện được nhiều dạng vi phạm mới đa dạng và tinh vi, đề xuất xử lý cương quyết và mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, do các quy định pháp lý hiện thời, các chế tài này chưa làm hài lòng những người tiêu dùng bị thiệt hại do gian lận với tổng số tiền có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.
Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng đây là “câu chuyện nhiều năm” do những vi phạm đã phát hiện từ năm 2003, đã qua nhiều đợt thanh tra song mức giải quyết chưa thỏa đáng khiến quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng bị xâm phạm nghiêm trọng.
Trong Nghị định mới trình Chính phủ ban hành thay thế Nghị định 126 (ngày 10/10/2005), Bộ KH&CN đề xuất tăng mức phạt cao nhất từ 20 triệu đồng lên 30 triệu đồng.
Song quan trọng nhất là các kiến nghị tăng nặng xử phạt một số hành vi vi phạm (tự ý phá niêm chì, không kiểm định phương tiện đo trước khi đưa vào kinh doanh, gắn IC làm thay đổi tình trạng kỹ thuật cột đo…), bổ sung quy định về việc buộc thu hồi nộp ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi bất hợp pháp do hành vi gian lận về đo lường và chất lượng, tăng kiến nghị về rút giấy phép kinh doanh.
“Đây cũng chính là ý chí của Chính phủ trong việc đảm bảo một môi trường sản xuất, kinh doanh xăng dầu lành mạnh và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Bộ KH&CN đã chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các quy định bổ sung.” - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Trần Minh Dũng khẳng định khi báo giới hỏi về phản ứng của Chính phủ trước những đề xuất mới mẻ này.
Hành vi gian lận xuất hiện có hệ thống và tổ chức
Kết quả các đợt thanh tra toàn quốc về đo lường, chất lượng xăng dầu vừa qua cho thấy một xu hướng bất thường trong hoạt động kinh doanh xăng dầu khi các hành vi gian lận xuất hiện có hệ thống và tổ chức, diễn ra ở hầu khắp các địa phương.
Đợt thanh tra 4 tháng ở 63 địa phương đã cho thấy có tới 17,9% cơ sở kinh doanh xăng dầu vi phạm ở nhiều hình thức (797 cơ sở trong tổng số 4441 cơ sở được thanh tra).
Số lượng vi phạm giảm so với năm 2003 (23,09%) song hình thức vi phạm rất đa dạng, mức độ tinh vi, phức tạp tăng lên nhiều lần. Năm 2003 chỉ phát hiện 0,5% cơ sở được thanh tra lắp bản vi mạch điện tử hoặc thay thế IC để điều khiển kỹ thuật cột đo song năm 2008 đã có 7,15% cơ sở dùng hình thức gian lận này khiến sai số có thể lên tới gần 10%. Đến nay, mới có 52 đơn vị bị kiến nghị rút giấy phép kinh doanh.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Nguyễn Quang Kiên khẳng định đợt thanh tra vừa qua đã không phát hiện sai phạm trong hệ thống 1.800 đơn vị thành viên Petrolimex song Tổng công ty này lại không thể kiểm soát hệ thống 6.000 cửa hàng cấp đại lý.
Ông Kiên lo ngại vì tình trạng vi phạm chất lượng xăng dầu đang diễn ra khá phổ biến ở khu vực phía Nam, chủ yếu theo hình thức tăng trị số octan (từ xăng M83 hoặc 90 lên xăng 92), cho rằng vấn đề bức xúc này cần phải được Chính phủ quan tâm giải quyết sớm (hiện chưa có quyết định dừng sử dụng xăng 83).
Pha chế xăng dầu - hoạt động thường xuyên trong sản xuất kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam - hiện chưa được Nhà nước quản lý. “Bài học xăng pha acetone hoặc xăng pha cồn vừa qua cho thấy, nếu không cập nhật thực tế thương mại trên thị trường quốc tế và có các quy định cụ thể về pha chế, về nhiên liệu thay thế… quản lý chất lượng xăng dầu vẫn là một vấn đề thách thức”- ông Kiên nhận định.
Tại TP Hồ Chí Minh, địa phương có số lượng đơn vị SXKD xăng dầu lớn nhất nước (500) với hơn 3.000 cột đo nhiên liệu, Sở KH&CN chỉ tiến hành thanh tra được 64 cửa hàng, trạm bán lẻ xăng dầu với 396 cột đo, phát hiện 20 trường hợp vi phạm (30%), rút giấy phép tạm thời 11 cửa hàng và vĩnh viễn 2 cửa hàng.
Thiệt hại do gian lận trong kinh doanh xăng dầu hiện chưa được thống kê trong khi dư luận người tiêu dùng rất bức xúc. Một trong những câu hỏi đặt ra từ lãnh đạo Bộ KH&CN về việc có sức ép nào từ phía các đơn vị SXKD xăng dầu lên công tác thanh tra hay không, hiện vẫn chưa có câu trả lời.
(Tiền phong )