Kết thúc phiên giao dịch 17/11, chỉ số MXV-Index tiếp tục giảm 0,52% xuống mức 2.366 điểm. Bất chấp việc nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp đều tăng mạnh, việc giá dầu thô và khí tự nhiên đồng loạt sụt giảm khiến chỉ số MXV-Index Năng lượng bay mất gần 3%, là yếu tố chính gây sức ép lên diễn biến chung của thị trường hàng hóa.
Giá trị giao dịch toàn Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cũng giảm mạnh đến 30% do tác động tiêu cực từ diễn biến của nhóm năng lượng, xuống chỉ còn xấp xỉ 3.000 tỷ đồng. Ngoài mức tăng của nhóm nông sản, toàn bộ các nhóm hàng hóa đều sụt giảm một nửa về giá trị giao dịch so với phiên trước đó.
OPEC+ tăng sản lượng, khiến giá dầu thế giới rơi mạnh gần 3%
Giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần do khả năng nguồn cung tăng lên. Kết thúc phiên giao dịch 17/11, giá WTI giảm mạnh gần 3% xuống 78,36 USD/thùng, giá Brent giảm 2,61% xuống 80,28 USD/thùng.
Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, sản lượng dầu trong tháng 10 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu và đồng minh OPEC+ tăng thêm 490.000 thùng/ngày, cao hơn thoả thuận tăng 400.000 thùng/ngày đề ra trước đó, với mức tăng lớn đến từ 2 nước sản xuất hàng đầu là Nga và Saudi Arabia. Đây là thông tin tương đối bất ngờ do thời gian trước đó OPEC+ liên tục sản xuất dưới hạn ngạch đề ra, tạo ra khả năng chênh lệch cung - cầu dầu thô thế giới có thể thu hẹp lại.
Đặc biệt trong bối cảnh nhóm nước tiêu thụ dầu lớn, dẫn đầu là Mỹ đang xét mở dầu từ kho dự trữ để làm giảm giá dầu. Thay vì Mỹ chỉ hành động một mình, sự phối hợp của nhiều quốc gia sẽ tạo ra độ ảnh hưởng lớn hơn đáng kể. Lạm phát tại Mỹ gia tăng với tốc độ kỷ lục 31 năm trong khi lạm phát tại giá bán buôn tại các nước châu Á như Nhật cũng đạt mức kỷ lục 40 năm do giá năng lượng lên cao tạo ra rủi ro giảm tốc cho nền kinh tế các nước này có thể là động lực khiến các quốc gia xem xét đề nghị của Mỹ.
Không chỉ có tác động trực tiếp đến nguồn cung, sự phối hợp của các quốc gia sẽ tạo ra thông điệp ngoại giao rõ ràng đối với nhóm OPEC+, rằng các nước tiêu thụ có thể cùng với nhau thách thức lại quyền lực hiện tại của nhóm.
Trên thị trường xăng dầu nội địa, liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố giá bán lẻ tối đa đối với xăng RON 95 là 24.996 đồng/lít và xăng E5 RON 92 là 23.669 đồng/lít. Giá xăng trong nước hiện ở mức cao nhất trong 7 năm qua.
Nguồn tin: TTXVN