Các công ty năng lượng Mỹ cắt giảm giàn khoan dầu tuần thứ 7 liên tiếp, do các nhà sản xuất lớn giảm sản lượng dầu đá phiến tại thời điểm giá dầu và nhu cầu nhiên liệu giảm mạnh bởi việc phong tỏa trên toàn cầu nhằm chống lại sự lây lan của virus corona.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết các nhà khoan đã giảm 53 giàn khoan dầu trong tuần tính tới ngày 1/5/2020, đưa tổng số giàn khoan giảm xuống 325 giàn, thấp nhất kể từ tháng 6/2016. Số giàn khoan dầu, một chỉ số sớm cho sản lượng tương lai đã giảm 60% so với cùng tuần một năm trước khi có 807 giàn khoan hoạt động.
Hơn một nửa tổng số giàn khoan dầu của Mỹ nằm tại lưu vực Permian ở Tây Texas và Đông New Mexico, nơi các đơn vị hoạt động tại đó đã giảm 27 giàn trong tuần này xuống 219 giàn, thấp nhất kể từ tháng 11/2016.
Tổng số giàn khoan dầu và khí hoạt động tại Mỹ đã giảm 57 giàn xuống 408 giàn trong tuần qua, chỉ cao hơn mức thấp nhất lịch sử 404 giàn trong tuần kết thúc vào ngày 20/5/2016, theo số liệu của Baker Hughes ghi nhận từ năm 1940.
Các nhà phân tích tại Raymond James dự báo tổng số giàn khoan dầu và khí tự nhiên của Mỹ sẽ giảm từ khoảng 800 giàn vào cuối năm 2019 xuống mức thấp kỷ lục khoảng 400 giàn vào giữa năm nay và khoảng 200 giàn vào cuối năm 2020. Ngân hàng đầu tư này dự báo tổng số giàn khoan sẽ đạt trung bình chỉ 225 giàn trong năm 2021.
Tập đoàn Exxon Mobil và Chevron đã dự định cắt giảm sâu sản lượng và đầu tư tại lưu vực đá phiến Permian, khu vực mỏ dầu hàng đầu của Mỹ, nơi tăng trưởng trong những năm gần đây khiến Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và là một nhà xuất khẩu ròng dầu thô lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ.
ConocoPhillips, nhà sản xuất dầu và khí đốt độc lập lớn nhất thế giới, dự định tăng cường cắt giảm sản lượng 40.000 thùng/ngày trong tháng 5/2020 và đưa sản lượng giảm của họ tại Bắc Mỹ lên 460.000 thùng/ngày trong tháng 6/2020, mức cắt giảm sản lượng lớn nhất với một nhà sản xuất.
Giá dầu thô kỳ hạn tháng 6/2020 của Mỹ khoảng 19 USD/thùng trong ngày 1/5/2020, theo xu hướng tăng tuần đầu tiên trong 4 tuần do tổ chức OPEC và các đồng minh bắt đầu cắt giảm sản lượng kỷ lục để giải quyết dư cung.
Công ty dịch vụ tài chính Mỹ Cowen & Co cho biết 34 công ty thăm dò và khai thác độc lập (E&P) họ theo dõi đã cắt giảm kế hoạch chi tiêu kể từ khi OPEC+ không đạt được thỏa thuận giảm sản lượng trong ngày 6/3/2020, với vốn kinh doanh giảm 42% trong năm 2020 so với năm trước.
Trước khi thỏa thuận OPEC+ thất bại, Cowen cho biết các công ty E&P độc lập dự kiến cắt giảm chi tiêu 11% trong năm 2020 so với năm 2019. Trong năm 2019, các công ty này cắt giảm chi tiêu khoảng 10% so với năm 2018.
Nguồn tin: vinanet.vn