Những biến động bất thường từ thị trường xăng dầu trong nước đã khiến xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều về việc phân công các bộ, ngành quản lý điều hành mặt hàng xăng dầu. Theo dự thảo (lần 2) về việc ban hành sửa đổi Nghị định Chính phủ về quản lý xăng dầu thì có tới 3 kịch bản được Bộ Công Thương đề xuất.
Hiện nay, mặt hàng xăng dầu chịu sự quản lý và điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật và nhiều bộ, ngành khác nhau. Trong đó, về quản lý nhà nước về xăng dầu trong lĩnh vực giá thì theo Luật Giá, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá.
Quản lý xăng dầu sẽ không quy về một mối |
Còn theo quy định tại Luật Quản lý chất lượng hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện việc xây dựng, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, chiến lược, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Còn quản lý nhà nước về xăng dầu trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy thì theo quy định tại Luật Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng cháy và chữa cháy. Trong khi đó, Bộ Công Thương phụ trách quản lý nhà nước về xăng dầu trong việc bảo đảm nguồn cung, lưu thông hàng hóa.
Ngoài ra, liên quan đến lĩnh vực hải quan thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính; lĩnh vực bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên môi trường quản lý; vấn đề kiểm soát buôn lậu thuộc chức năng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389)…
Do đó, theo ý kiến của Bộ Công Thương, việc quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần có sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành chức năng theo từng lĩnh vực quản lý. Trên cơ sở nội dung phân tích nêu trên, Thường trực Tổ biên tập đã đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung nội dung về Cơ quan Quản lý Nhà nước cụ thể như sau:
Phương án 1, giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan và bổ sung nội dung: “Thời gian điều chỉnh chi phí định mức rút xuống còn 01 quý/lần. Nếu trong quý có biến động tăng, giảm từ 5% trở lên thì cho phép điều chỉnh ngay”.
Bộ Công Thương phân tích, việc phân công phối hợp đã được thực hiện từ nhiều năm và phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành; Trong công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát và hướng dẫn việc xác định các chi phí để công bố cho Bộ Công Thương tính toán giá cơ sở mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm có sự giám sát, kiểm tra các chi phí một cách chính xác, khách quan, minh bạch, đúng chuyên môn nghiệp vụ.
Về nhược điểm thì cũng rất rõ ràng trong thời gian vừa qua, khi có vấn đề phát sinh, diễn biến thị trường phức tạp lại cần có sự phối hợp giữa các bộ, ngành để cùng xử lý. Để có thể thống nhất được các vấn đề và có giải pháp xử lý là cực kỳ mất thời gian, khiến doanh nghiệp và người dân phải hứng chịu thiệt hại không đáng có.
Còn phương án 2, đối với nội dung điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Tài chính thực hiện theo đúng chuyên môn nghiệp vụ và chức năng nhiệm vụ được giao. Các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định.
Với phương án này, nhiều ý kiến cho rằng việc điều hành giá xăng dầu sẽ bị tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu, đồng thời dẫn đến những bất ổn khi lợi ích giữa các chủ thể trên thị trường xăng dầu không được hài hòa; không có sự độc lập khách quan trong việc xác định, phản ánh các chi phí kinh doanh xăng dầu để bảo đảm tính công khai, minh bạch, chính xác trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Còn phương án thứ 3 là điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Công Thương thực hiện. Các bộ, ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định.
Bộ Công Thương cho rằng, phương án này không bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong việc phân công, thực hiện nhiệm vụ theo chuyên môn, nghiệp vụ giữa các bộ, ngành hiện nay. Từ đó, dẫn tới sự chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành, đồng thời có thể làm phát sinh thêm tổ chức bộ máy, biên chế để thực hiện nhiệm vụ.
Quan điểm của Bộ Công Thương là lựa chọn phương án thứ nhất. Theo đó giữ nguyên các quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong phân công công tác quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Lý do được đưa ra là phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các bộ đang được Chính phủ phân công, đồng thời nhằm bảo đảm có sự tính toán, giám sát, kiểm tra các chi phí một cách chính xác, khách quan, minh bạch, đúng chuyên môn nghiệp vụ từ Bộ Tài chính.
Ngay trong các phân tích ưu khuyết của từng phương án của Bộ Công Thương cũng thấy rằng nếu thống nhất đầu mối quản lý về giá và cung cầu mặt hàng xăng dầu về 1 cơ quan sẽ hạn chế tối đa việc đứt gãy cung ứng, ngành xăng dầu Việt Nam có thể linh hoạt, nhanh nhạy hơn đối với các diễn biến bất thường của thị trường trong nước cũng như thế giới. Tuy nhiên, hiện chưa có bộ, ngành nào đứng ra để nhận việc này.
Nguồn tin: PetroTimes