Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bài 1: Vì sao phải làm chủ công nghệ lọc hóa dầu

Để làm chủ công nghệ lọc hóa dầu không phải cứ học lý thuyết thật tốt, chờ chuyên gia nước ngoài đến chỉ dạy từng bước mà phải dành sự chủ động, sáng tạo. Đây chính là nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao cho cán bộ công nhân viên Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất - cái nôi đào tạo lọc hóa dầu Việt Nam.

NMLD Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, được xây dựng tại khu vực thuộc địa phận xã Bình Thuận và Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ USD do Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam) làm chủ đầu tư, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm.


NMLD Dung Quất đã và đang làm được chủ hoàn toàn về công nghệ lọc hóa dầu tiên tiến.

Đây là một trong những dự án kinh tế lớn, là công trình trọng điểm quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn đầu thế kỷ 21, có ý nghĩa hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài, tạo nền tảng, sức bật cho sự phát triển công nghiệp khu vực duyên hải miền Trung.

Sự ra đời của NMLD Dung Quất đánh dấu khâu cuối cùng trong chu trình hoàn chỉnh ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, từ khâu tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu, hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), tiền thân là Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn và là đơn vị thành viên của Petrovietnam, được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành NMLD Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam, đồng thời là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. NMLD Dung Quất là một công trình hiện đại, quy mô lớn, công nghệ phức tạp, với chuỗi kết nối hàng trăm nghìn thiết bị sản xuất từ nhiều nước trên thế giới.

Ngay từ khi tiếp nhận bàn giao Nhà máy từ Tổ hợp nhà thầu Technip, cán bộ công nhân viên BSR đã không ngừng nỗ lực nghiên cứu, phát huy trí tuệ, nhanh chóng nắm bắt toàn bộ nguyên lý hoạt động, dây chuyền công nghệ của Nhà máy; ứng dụng linh hoạt các giải pháp khoa học công nghệ vào công tác vận hành sản xuất, giải quyết tốt các điểm vướng mắc kỹ thuật lớn trong quá trình xây dựng, vượt qua các khó khăn thử thách trong quá trình chạy thử, vận hành thương mại, đặc biệt là vấn đề nguyên liệu dầu thô, tiến tới làm chủ hoàn toàn dây chuyền công nghệ, đảm bảo Nhà máy luôn vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả.

Trong 13 năm qua, BSR luôn vận hành NMLD Dung Quất ổn định ở 100 - 107% công suất. Tính từ thời điểm vận hành thương mại đến nay Nhà máy đã đã nhập thành công 993 chuyến tàu dầu (79 triệu tấn dầu thô); sản xuất và tiêu thụ trên 72,5 triệu tấn sản phẩm (chiếm trên 30% nhu cầu xăng dầu cả nước); doanh thu đạt trên 1.185 ngàn tỷ đồng (tương đương 50,4 tỷ USD); nộp NSNN trên 176,6 ngàn tỷ đồng (tương đương hơn 7,5 tỷ USD); lợi nhuận sau thuế đạt 23,2 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt năm 2020, vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức do dịch bệnh Covid-19, biến động về giá dầu cũng như ảnh hưởng của bão lụt, BSR vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định, công suất trung bình đạt 105%, về đích trước 19 ngày, vượt 7% kế hoạch năm; khối lượng sản xuất cả năm 5,93 triệu tấn; doanh thu 57.895 tỷ đồng và nộp NSNN 6.242 tỷ đồng; thực hiện thành công bảo dưỡng tổng thể lần 4 đạt các mục tiêu đề ra về an toàn, chất lượng, tiến độ và chi phí.

Ngày 10/3/2021, toàn Nhà máy đạt mốc 30 triệu giờ công an toàn, không có bất kỳ tai nạn lao động nào làm mất ngày công. Sau hơn 12 năm vận hành, NMLD Dung Quất đã trải qua 4 lần bảo dưỡng tổng thể vào các năm 2011, 2014, 2017 và 2020. Các lần bảo dưỡng tổng thể đều được thực hiện thành công và vượt tiến độ đề ra.

Đối với riêng tỉnh Quảng Ngãi, từ khi NMLD Dung Quất đi vào hoạt động thương mại đã mang đến cho vùng đất nghèo sự “thay da đổi thịt”, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng miền rõ rệt.

Các thành quả nói trên là minh chứng rõ nét về khả năng làm chủ công nghệ, vận hành nhà máy lọc hóa dầu của BSR, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nguồn nhân lực thuộc khâu sau của ngành Dầu khí Việt Nam. Mặc dù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp quản và vận hành NMLD Dung Quất, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên BSR không "ngủ quên" trên chiến thắng, luôn tỉnh táo nhìn về phía trước, nhận diện rõ sự cạnh tranh khốc liệt và những rủi ro trong tương lai.

Bắt đầu từ cuối năm 2014, khi thị trường dầu thô đã có những biến động bất thường về giá, tác động lớn đến hiệu quả sản xuất của ngành lọc dầu trên thế giới, đồng thời các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực, BSR đã xác định phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn thách thức mới, cũ đan xen trong giai đoạn mới: Thứ nhất là nguy cơ không đủ nguyên liệu dầu thô cho hoạt động ổn định, hiệu quả của NMLD Dung Quất khi nguồn dầu thô Bạch Hổ ngày càng suy giảm về sản lượng cung ứng và có chất lượng không ổn định do mỏ Bạch Hổ đã ở giai đoạn cuối của chu kỳ khai thác. Đây là bài toán khó mà BSR phải đương đầu ngay từ lúc tiếp nhận bàn giao Nhà máy và phải tiếp tục giải quyết trong tương lai.

Cụ thể, sản lượng khai thác của mỏ Bạch Hổ trong năm 2015 chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu nguyên liệu của BSR để vận hành Nhà máy tại 100% công suất thiết kế, trong khi mục tiêu phân đấu của BSR cần phải tối đa công suất vận hành trên giá trị thiết kế nhằm nâng cao hiệu quả chế biến. Ngoài ra, tính chất dầu Bạch Hổ cũng đã có nhiều thay đổi, chứa nhiều thành phần nhẹ hơn, xuất hiện nhiều loại tạp chất mà không được đề cập trong giai đoạn thiết kế nhưng lại có tác động lớn đến vận hành thực tế của Nhà máy.

Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thông qua các hiệp định thương mại tự do sẽ tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung và của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam nói riêng. Theo xu hướng chung của tự do hóa thương mại, các hàng rào thuế quan sẽ dần tiến đến 0% và các hàng rào phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật cũng như các rào cản khác sẽ bị loại bỏ ngày càng nhiều và tốc độ ngày càng nhanh. Điều này sẽ thúc đẩy hoạt động nhập khẩu xăng dầu từ các nước có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam, tạo nên áp lực cạnh tranh rất lớn đối với thị trường cung ứng xăng dầu nội địa. Trong khi đó, các sản phẩm xăng dầu của BSR chủ yếu cung cấp cho các nhà phân phối trong nước.

Hơn nữa, khi Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn chính thức đi vào hoạt động thương mại (2018), sự cạnh tranh trong thị trường xăng dầu nội địa được dự báo ngày càng khốc liệt hơn.

Thứ ba, diễn biến bất thường của thị trường dầu thô trên thế giới do ảnh hưởng của cuộc cách mạng dầu thô đá phiến, cuộc chiến giành thị phần giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ... cũng là một bài toán hóc búa đối với BSR trong việc “bắt đáy” giá dầu thô với điều kiện mức tồn kho cho phép hiện tại.

Do chi phí cho nguyên liệu dầu thô chiếm tới 94 - 95% tổng chi phí hoạt động của BSR, vì vậy với cùng cơ cấu sản phẩm như nhau, chỉ cần mua rẻ được 1% giá dầu thô đầu vào là bằng hàng chục, hàng trăm phần trăm những khoản chi phí tiết kiệm khác. Ngược lại, nếu mua đắt hơn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận chế biến của Nhà máy.


Người lao động BSR luôn chuyên nghiệp, tự tin và sáng tạo trong công việc.

Để ứng phó với các khó khăn thách thức nói trên, theo đánh giá là có tác động vô cùng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của BSR nói riêng, sự phát triển của ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam và của tỉnh Quảng Ngãi nói chung, BSR quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất để tối ưu hóa vận hành sản xuất của NMLD Dung Quất với mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực canh tranh của BSR trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế có nhiều biến động bất thường và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Quá trình nghiên cứu được thực hiện trên toàn bộ dây chuyền công nghệ của Nhà máy, trong đó tập trung vào các khâu trọng yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, hiệu quả chế biến, bao gồm nguyên liệu - sản phẩm, công suất chế biến - điều kiện vận hành và tiêu thụ năng lượng.

Có thể thấy rằng, làm chủ công nghệ lọc hóa dầu không chỉ là nhiệm vụ bắt buộc đối với các cán bộ nhân viên BSR, còn xuất phát từ thực tế yêu cầu của thị trường, có tính quyết định sự tồn vong của Nhà máy.

Mời độc giả xem tiếp bài 2: "Những giá trị không thể đong đếm từ trí tuệ BSR"

Nguồn tin: PetroTimes

ĐỌC THÊM