Với châu Á dự kiến sẽ đóng góp khoảng 70% tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu trong những năm tới, TTK OPEC ông Mohammed Barkindo nói rằng tổ chức của ông chào đón nhiều cơ hội hơn để thu hút người tiêu dùng từ khu vực này.
Trong một đoạn video ghi lại hội nghị APPEC tại Singapore, Barkindo đã dự kiến rằng xuất khẩu dầu thô từ Trung Đông đến châu Á sẽ tăng từ 14,5 triệu thùng/ngày trong năm 2016 lên 22 triệu thùng/ngày vào năm 2040.
Phát biểu tại văn phòng OPEC ở Vienna ông cho biết: "Sự tăng trưởng đến mức này từ các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng ở châu Á sẽ đòi hỏi nguồn cung từ tất cả các khu vực sản xuất và các nước thành viên của OPEC chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng này. Trong tương lai gần, chúng ta có thể tin rằng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là đầu mối đầu tiên cho nguồn cung xuất khẩu OPEC và Trung Đông."
Tuy nhiên, OPEC đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ phía Mỹ, với một quan chức từ Unipec của Trung Quốc cho biết tại hội nghị rằng châu Mỹ, đặc biệt là Mỹ, đã có vị trí để thay thế Trung Đông là nhà cung cấp hàng đầu cho châu Á.
Các nước sản xuất Trung Đông đang xây dựng thêm các nhà máy lọc dầu trong nước và sẽ có ít dầu thô hơn để xuất khẩu, Wang Pei, phó giám đốc nghiên cứu và chiến lược của Unipec cho biết. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã nhập khẩu 36 triệu thùng dầu thô Mỹ tính đến đến tháng 8 năm nay, so với 8,5 triệu thùng trong cùng kỳ năm 2016.
Canada, Mexico và Brazil cũng có những nguồn cung quan trọng mà các nhà tinh chế ở Châu Á rất quan tâm, cùng với dầu siêu nặng từ Venezuela một thành viên của OPEC, bà nói thêm.
"Chúng ta có thể tìm thấy nguồn cung dồi dào ở châu Mỹ", Wang nói. "Đó là lý do tại sao họ có vị thế lớn để trở thành nhà cung cấp chính kế tiếp đến Châu Á."
Barkindo nêu bật Cuộc đối thoại OPEC-Ấn Độ hàng năm được khởi động vào tháng 5 tại Vienna, với cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức tại New Delhi vào năm 2018. Ông lưu ý rằng các thành viên OPEC cung cấp 85% lượng dầu thô và 90% khí đốt của Ấn Độ.
Một cuộc đối thoại OPEC-Trung Quốc tương tự sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh vào cuối năm nay, ông nói.
Barkindo cho biết: "Những sáng kiến đối thoại năng lượng này đã đặt ra một tiền lệ rất tích cực cho cuộc đối thoại trong tương lai giữa OPEC và các đối tác châu Á. Hy vọng của chúng tôi là những nỗ lực này sẽ phát triển thành mối quan hệ đối tác lâu dài mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan."
Ông hoan nghênh những nỗ lực của OPEC để tái cân bằng thị trường thông qua việc cắt giảm nguồn cung mà nhóm đã tiến hành với 10 nhà sản xuất không thuộc OPEC do Nga dẫn đầu. Thỏa thuận, bắt đầu từ ngày 1 tháng 1, kêu gọi cắt giảm 1,8 triệu thùng/ngày cho đến tháng 3 năm 2018.
Barkindo ghi nhận điều này đang giúp ổn định giá - vì lợi ích của không chỉ các nước sản xuất, mà còn cả các nước tiêu thụ, vì một thị trường ổn định hơn có nghĩa là một môi trường đầu tư tốt hơn cho các dự án thượng nguồn cần thiết để đáp ứng nhu cầu trong tương lai.
"Tôi cam đoan với bạn rằng nếu không có sự can thiệp chung đáng khâm phục này, bắt đầu vào năm ngoái, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ không phải như hiện nay," ông nói. "Bây giờ, nhìn về tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực của chúng tôi cho đến khi chúng tôi đạt được mục tiêu của chúng tôi là cân bằng hoàn toàn thị trường dầu mỏ và tăng trưởng, ổn định thị trường và ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu.”
Ông kêu gọi châu Á ủng hộ các nỗ lực của OPEC trong việc quản lý thị trường, mặc dù ông không đề cập đến Indonesia, nước đã đình chỉ tư cách thành viên vào tháng 11 năm ngoái vì không muốn tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản xuất.
Barkindo cho biết: "Chúng ta phải thấy tất cả các bên liên quan trong ngành tham gia để đảm bảo rằng giá cả sẽ được ổn định và hỗ trợ trong dài hạn, vì đây sẽ là cách duy nhất để khôi phục lại đầu tư đến mức yêu cầu.”
Nguồn: xangdau.net