Mặc dù đánh giá việc áp dụng hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu là cần thiết, tuy nhiên, theo chuyên gia, để đảm bảo hài hòa cần có giải pháp tối ưu...
Theo đó, ngày 01/12/2023 Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1284/CĐ-TTg về tăng cường công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. Công điện này đặt ra những nhiệm vụ cụ thể mà các cơ quan chức năng cần thực hiện, đồng thời đề xuất những biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử.
Việc áp dụng hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu vẫn còn đó không ít các ý kiến trái chiều - Ảnh minh họa: ITN |
Nhằm triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã có Công văn số 5468/TCT-DNL ngày 05/12/2023 yêu cầu cơ quan thuế các cấp khẩn trương, quyết liệt triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ đạo triển khai quy định phát hành hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc áp dụng hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu vẫn còn đó không ít các ý kiến trái chiều.
Theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, việc triển khai chính sách đã nêu không chỉ khiến doanh nghiệp gia tăng chi phí, mà thực tế người mua cũng chưa có thói quen lấy hóa đơn.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho hay, để có thể thực hiện xuất hóa đơn điện tử sau từng lần bán hàng, mỗi cửa hàng bán lẻ sẽ phải bỏ chi phí khoảng 400 triệu đồng tới trên 1 tỷ đồng để trang bị phần mềm, thay thế cột bơm và phần cứng bộ tính đo đếm trong cửa hàng xăng, dầu.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu là cần thiết, tuy nhiên, cần có giải pháp tối ưu và lộ trình để đảm bảo hài hòa lợi ích - Ảnh minh họa: ITN |
Chưa kể, theo một số doanh nghiệp, tại 1 cửa hàng vùng sâu vùng xa bán lẻ, trung bình 1.000-1.500 lít/ngày sẽ phải xuất khoảng 750 hóa đơn với tổng chi phí khoảng 400.000 đồng/ngày/cửa hàng. Trong khi đó, mức chiết khấu cho mỗi lít xăng quá thấp, nhiều thời điểm chỉ 100 - 200 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng, nếu bắt buộc áp hóa đơn điện tử đối với tất cả khách mua hàng thì doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ lỗ nặng và buộc phải đóng cửa.
Do đó, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép được xuất hóa đơn như hiện tại, tức vào cuối ngày mà không buộc theo từng lần bán.
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp bán lẻ, ông Mai Xuân Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, một số đơn vị cung cấp kỹ thuật đã khảo sát và thông báo mức chi phí đầu tư thấp, không phải cao tới mức 400-600 triệu đồng hay 1 tỷ đồng như thông tin xuất hiện thời gian qua. Mặt khác, thực tế thực hiện tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), chi phí cho việc in hóa đơn điện tử theo từng lần bán chỉ rơi vào khoảng 20-60 đồng/hóa đơn, và hiện có hàng chục đơn vị để doanh nghiệp lựa chọn khi triển khai lắp đặt thiết bị in...
Trong khi các giữa doanh nghiệp bán lẻ và cơ quan quản lý còn ý kiến trái chiều thì theo các chuyên gia, việc áp dụng hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu là cần thiết, tuy nhiên, cần có giải pháp tối ưu và lộ trình để đảm bảo hài hòa lợi ích, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, trước mắt, có thể việc xuất hóa đơn điện tử còn có những khó khăn nhất định do chưa kịp thay đổi, nhưng đây là việc cần làm và phải làm. Hoạt động này không quá phức tạp vì thực tế hiện nay ở mỗi cây xăng đều có các máy đo đếm, tính tiền từ số lượng xăng bán ra. Vấn đề quan trọng chỉ là thêm vào đó một bộ phận để xuất hóa đơn, tuy nhiên cơ quan thuế cũng như Bộ Tài chính cần có khoảng thời gian nhất định, từ 3 - 6 tháng để các điểm bán lẻ xăng dầu có thể triển khai thực hiện tốt nhất.
Đồng quan điểm đã nêu, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, những lo ngại của doanh nghiệp về vấn đề chi phí đầu tư là có cơ sở trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Theo ông Doanh, việc đẩy mạnh số hóa góp phần tăng cường minh bạch trong công tác quản lý thuế là rất cần thiết, trong đó có lĩnh vực xăng dầu. Do đó, có thể xem xét giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí đầu tư ban đầu (thiết bị, phần mềm, kết nối hệ thống) và tìm giải pháp tối ưu nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện.
Bên cạnh việc giải quyết vướng mắc, tồn tại cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện chủ trương, để giải quyết về vấn đề thói quen của khách hàng trong việc lấy hóa đơn bán lẻ xăng dầu, một số ý kiến đề xuất, cần phải sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân cho phép chi phí xăng dầu của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh được tính là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế. Bởi trên thực tế, chi phí xăng dầu của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh là không hề nhỏ... và khi người dân có lợi ích chắc chắn sẽ yêu cầu cửa hàng bán lẻ xăng dầu xuất hóa đơn điện tử, nên bắt buộc cửa hàng phải xuất hóa đơn. Chỉ cần giải pháp này, chắc chắn dù không muốn, doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử.
Nguồn tin: PetroTimes