Những hàm ý từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đối với thị trường dầu rất khó nhận diện. Nhiều yếu tố ủng hộ cho sự đi lên của giá dầu nhưng các yếu tố chính trị đang đi theo chiều hướng ngược lại.
Không muốn phụ thuộc OPEC
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump muốn gia tăng sản lượng khai thác dầu mỏ từ trong nước, nên ủng hộ cho sự bùng nổ của giàn khoan dầu. Đầu tiên, Quốc hội Hoa Kỳ dưới sự chi phối của đảng Cộng hòa sẽ “khai tử” các sắc lệnh dưới thời Tổng thống Obama đối với ngành dầu và khí đốt trong việc xả thải khí metan. Hoa Kỳ cũng đã chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Điều này mở ra cơ hội cho phép các giàn khoan thiếu thân thiện môi trường tiếp tục quay trở lại hoạt động.
Theo số liệu đến ngày 27-1 có 712 giàn khoan Hoa Kỳ hoạt động, tăng 93 giàn so với cách đây 1 năm và xu hướng số lượng giàn khoan tăng đã diễn ra trong 12 tuần liên tiếp. Mục tiêu của Trump là gia tăng sản lượng dầu trong nước để không phụ thuộc vào OPEC và bất cứ quốc gia thù địch nào (hiện Hoa Kỳ đang nhập khẩu 9,4 triệu thùng dầu/ngày). Đây là quan điểm được nêu trong “Kế hoạch Năng lượng đầu tiên của Hoa Kỳ” được công bố chỉ vài giờ sau khi Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống.
Kế hoạch năng lượng của Trump cũng hỗ trợ mạnh cho ngành công nghiệp dầu đá phiến. Bản Kế hoạch Năng lượng đầu tiên của Hoa Kỳ viết: “Chúng ta phải phát huy lợi thế của 50.000 tỷ USD của dầu đá phiến và dự trữ khí đốt tự nhiên, đặc biệt là ở các vùng đất liên bang”.
Việc cởi trói cho ngành công nghiệp dầu đá phiến sẽ gây áp lực lên OPEC. Nhiều chuyên gia dầu khí lo ngại OPEC sẽ buộc phải từ bỏ kế hoạch cắt giảm nguồn cung dầu để cạnh tranh thị phần với dầu đá phiến của Hoa Kỳ. Theo Tập đoàn dầu khí BP, đó sẽ là một cuộc chiến tranh giành thị phần giữa các công ty có chi phí sản xuất thấp và các công ty có chi phí sản xuất cao.
Dầu đá phiến có chi phí sản xuất cao hơn so với một số các quốc gia có chi phí sản xuất thấp, chủ yếu là các giàn khoan dầu lớn ngoài khởi ở Trung Đông và Nga. Các công ty có chi phí sản xuất thấp như Saudi Arabia có thể từ bỏ kế hoạch cắt giảm sản lượng để “tiêu diệt” ngành công nghiệp dầu đá phiến Hoa Kỳ. Điều này có thể dẫn đến vòng xoáy giảm giá mạnh của giá dầu.
Theo dự báo của Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA), nước này sẽ gia tăng sản lượng dầu đá phiến nếu giá dầu ở mức 50-60USD/thùng. Từ đó sản lượng dầu của Hoa Kỳ có thể bật tăng trở lại trên 9 triệu thùng/ngày trong năm 2017 sau khi giảm 5,6% xuống còn 8,87 triệu thùng/ngày trong năm 2016. Bloomberg cho biết xuất khẩu dầu của Hoa Kỳ có thể đạt mức 800.000 thùng/ngày trong năm 2017, so với mức 527.000 thùng/ngày trong 11 tháng năm 2016, vượt qua 4 quốc gia sản xuất dầu trong khối OPEC là Libya, Qatar, Ecuador và Gabon (dựa trên số liệu tháng 12-2016).
Trong khi đó, khối OPEC từ tháng 12-2016 đã đặt ra kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 1,8 triệu thùng/ngày, nếu so với khả năng tăng sản lượng dầu của Hoa Kỳ kế hoạch của khối OPEC vẫn có ưu thế hơn. Giá dầu vì thế vẫn có khả năng tăng nếu OPEC thực hiện tốt cam kết của mình. Tuy nhiên, khối OPEC hiện nay mới chỉ cắt giảm được 840.000 thùng/ngày trong tháng 1-2017 nên vẫn còn nhiều việc phải làm, nếu như OPEC muốn đánh bại nỗ lực tăng sản lượng dầu từ chính quyền Trump.
Khai thác dầu đá phiến tại Hoa Kỳ.
Nhiều yếu tố khiến dầu có thể tăng giá
Ngày 27-1, ông Trump gây hỗn loạn với chính sách nhập cư khắc nghiệt đối với người Hồi giáo. Chính quyền Trump tạm thời không nhận người tỵ nạn khắp nơi trên thế giới, đồng thời cấm người nhập cư từ 7 quốc gia Hồi giáo gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Yemen và Syria (thậm chí cả những người có thẻ xanh vào Hoa Kỳ). Điều này buộc các công ty dầu mỏ phải sắp xếp lại nguồn nhân lực cho các dự án dầu ở Hoa Kỳ khi những công nhân dầu mỏ lành nghề lại đến từ các quốc gia Hồi giáo.
Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đối diện với lệnh cấm ngược lại từ các quốc gia Hồi giáo như Iran, Iraq khiến cho các công nhân và chuyên gia dầu khí của Hoa Kỳ cũng khó đi vào quốc gia này. Theo Business Insider, Công ty Exxon Mobil có thể gặp khó khăn tại Iraq khi quốc gia này ngừng cấp visa cho công dân Hoa Kỳ vào Iraq, nơi Exxon đang sản xuất hơn nửa triệu thùng dầu/ngày. Điều này có thể làm giảm nguồn cung sản xuất dầu khi các dự án sản xuất dầu bị chậm tiến độ.
Chính vì vậy, việc Hoa Kỳ đưa Iran vào diện “phải chú ý” vào hôm 2-2 khiến giá dầu tăng vọt do các nhà đầu tư lo ngại Iran sẽ khó thu hút dòng vốn đầu tư để khôi phục và phát triển ngành khai thác dầu. Do đó, nguồn cung dầu từ Iran sẽ khó tăng mạnh như dự kiến trước đây.
Theo Reuters, Trump đang muốn sửa lại thỏa thuận với Iran theo hướng có lợi hơn cho Hoa Kỳ nên đang tìm cách leo thang căng thẳng. Rõ ràng, các chính sách của Trump thực sự rất khó xác định một hướng đi cụ thể cho dầu. Trong khi việc thúc đẩy sản xuất dầu trong nước làm giảm giá dầu thì những rủi ro chính trị lại ủng hộ giá dầu tăng giá.
Goldman Sachs cho rằng, trong khi tác động của những chính sách này với tăng trưởng kinh tế còn gây nhiều tranh cãi, chúng có thể làm tăng giá mạnh đối với thị trường hàng hóa như dầu. Đồng thời với việc giá dầu và lạm phát gia tăng, FED có thể đẩy mạnh việc tăng lãi suất (3 lần trong năm 2017), làm hạn chế đà tăng của thị trường hàng hóa bao gồm dầu.
Có một điều chắc chắn mà nhiều nhà phân tích đồng thuận là độ biến động của thị trường dầu sẽ tăng mạnh trong năm 2017. Ngoài ra, còn các biến số rủi ro chính trị khác như việc căng thẳng về chính sách ngoại giao (và cả kinh tế) giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể khiến cho nền kinh tế toàn cầu bị tổn thương làm giảm nhu cầu về dầu.
Nguồn tin: Saigondautu