Cuộc khủng hoảng năng lượng và việc Nga vũ khí hóa nguồn cung khí đốt cho châu Âu đã làm thay đổi các ưu tiên trước mắt của các nhà hoạch định chính sách. Các chính phủ ở châu Âu đang cố gắng đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho mùa đông và tài trợ các gói trị giá hàng tỷ đô la để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với hóa đơn điện và khí đốt tăng cao. Trong khi an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự khi bắt đầu bước vào mùa sưởi ấm mùa đông, các nhà hoạch định chính sách và quan chức phụ trách năng lượng vẫn chưa đánh mất tầm nhìn dài hạn nhằm mở rộng đáng kể sản xuất năng lượng tái tạo để thay thế một phần tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và tăng cường an ninh năng lượng.
Tuy nhiên, thông điệp đã trở nên cân bằng hơn trong năm nay so với các năm trước: những mục tiêu không phát thải ròng (net-zero) là rất quan trọng, nhưng không để mọi người lạnh cóng trong mùa đông này sẽ còn quan trọng hơn.
Việc Nga xâm lược Ukraine và cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên sang châu Âu cho thấy năng lượng an toàn nhất sẽ là năng lượng có nguồn gốc từ trong nước hoặc mua từ các đồng minh. Điện gió và năng lượng mặt trời có nguồn gốc trong nước có thể loại bỏ một số nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Nhưng điều này sẽ mất nhiều năm. Trong khi đó, nhiên liệu hóa thạch sẽ cung cấp năng lượng mà thế giới cần.
Cả nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo sẽ cần sự đầu tư nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về năng lượng, các Giám đốc điều hành trong ngành và thậm chí cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng có chung nhận định này.
Câu chuyện hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng đã chuyển từ chỉ tập trung vào các mục tiêu net-zero sang chuyển đổi hệ thống năng lượng để nó có thể cung cấp năng lượng an toàn, giá cả phải chăng và sạch hơn.
Bộ ba bất khả thi về năng lượng
Đó là bộ ba khả thi về năng lượng cần được giải quyết, giám đốc điều hành của BP, Bernard Looney, cho biết.
“Nếu tôi hỏi bất kỳ ai ở châu Âu cách đây hai hoặc ba năm rằng họ muốn gì từ năng lượng, họ sẽ gần như chỉ trả lời là không phát thải ròng”, Looney phát biểu tại hội nghị năng lượng ADIPEC ở Abu Dhabi vào tuần trước.
“Nhưng nếu tôi hỏi họ hôm nay họ muốn gì từ năng lượng, thì chắc chắn họ sẽ trả lời rằng họ muốn một hệ thống năng lượng hiệu quả.”
“Một hệ thống năng lượng hiệu quả là một hệ thống năng lượng cung cấp cho thế giới - trong ví dụ này là châu Âu - năng lượng an toàn, với giá cả phải chăng và sạch hơn,” Looney nói thêm.
Bài học cho các nhà hoạch định chính sách là thay vì một Thỏa thuận Paris tập trung vào phát thải, có lẽ thế giới cần một Paris tập trung vào giải quyết vấn đề năng lượng, giám đốc điều hành của BP lưu ý.
“Những gì thế giới cần là một kế hoạch không chỉ để giảm lượng khí thải mà còn là một kế hoạch giải quyết vấn đề an ninh và tính hợp lý về giá cả,” Looney nói.
Thiếu sự đầu tư càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng
Trong vài năm qua, các chuyên gia tài chính đã tập trung hoàn toàn vào việc thiết kế lại các danh mục đầu tư và cho vay với mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 và các nhà đầu tư xa lánh nhiên liệu hóa thạch, dẫn đến đầu tư vào ngành dầu và khí đốt thấp hơn nhiều.
Giám đốc điều hành Amin Nasser của Saudi Aramco cho biết nhiều năm không đầu tư vào sản xuất dầu và khí đốt là nguyên nhân hàng đầu của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, và khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ tình trạng suy thoái hiện nay, công suất sản xuất dầu dự phòng ít ỏi còn lại sẽ bị cạn kiệt. Nasser cho biết: Đầu tư vào dầu khí đã giảm hơn một nửa từ năm 2014 đến năm 2021 và nói thêm rằng “Mức tăng trong năm nay là quá ít, quá muộn, quá ngắn ngủi”.
“Đây là những nguyên nhân thực sự của tình trạng mất an ninh năng lượng này: thiếu đầu vào dầu khí; các lựa chọn thay thế chưa sẵn sàng; và không có kế hoạch dự phòng”, Giám đốc điều hành của Saudi Aramco cho biết hồi tháng 9.
“Bởi vì khi bạn chỉ trích các nhà đầu tư dầu khí, phá bỏ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu và than, không đa dạng hóa nguồn cung năng lượng (đặc biệt là khí đốt), phản đối các trạm tiếp nhận LNG và từ chối điện hạt nhân, thì kế hoạch chuyển đổi của bạn nên tốt hơn”, Nasser nói.
Giám đốc điều hành hàng đầu của Aramco và các đại diện khác trong ngành đã cảnh báo trong nhiều năm rằng đầu tư vào các nguồn năng lượng truyền thống cần phải tăng lên và điều này không có nghĩa là năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng thay thế khác nên bị bỏ qua.
Nhiều nhà đầu tư đã nhanh chóng cảm thấy hối hận khi chi tiêu vào dầu và khí đốt trong những năm gần đây, nhưng giờ đây các yêu cầu mới trên thị trường năng lượng - an ninh và tính hợp lý của giá cả - có thể khiến một số họ quay trở lại đầu tư chu kỳ ngắn hơn vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch mới.
Trong hoàn cảnh hiện nay, mức đầu tư vào dầu khí hiện tại không đủ để duy trì tốc độ sản xuất hiện tại do các giếng đã lâu năm, chưa nói đến việc tăng năng lực sản xuất.
“Đây là thời điểm để tăng cường đầu tư vào dầu khí, đặc biệt là phát triển công suất. Và ít nhất cuộc khủng hoảng này cuối cùng đã thuyết phục mọi người rằng chúng ta cần một kế hoạch chuyển đổi năng lượng đáng tin cậy hơn”, Nasser bình luận.
Đầu tư năng lượng tái tạo cần tăng mạnh hơn nữa
Đầu tư vào năng lượng tái tạo cũng sẽ phải tăng vọt nếu thế giới muốn có cơ hội đạt mức phát thải ròng. Đầu tư vào năng lượng tái tạo phải tăng hơn gấp ba lần lên 1,3 nghìn tỷ đô la mỗi năm vào năm 2030 nếu thế giới muốn đạt mức không phát thải ròng vào năm 2050, IEA cho biết vào tháng trước. Sản xuất điện từ năng lượng tái tạo cần phải chứng kiến một trong những mức tăng đầu tư lớn nhất trong Kịch bản Không phát thải ròng (NZE), tăng từ 390 tỷ USD trong những năm gần đây lên 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Mức chi tiêu hàng năm này vào năm 2030 sẽ tương đương với mức cao nhất mà đã từng chi cho nguồn cung nhiên liệu hóa thạch, 1,3 nghìn tỷ USD đã chi cho nhiên liệu hóa thạch vào năm 2014, IEA cho biết.
Nguồn tin: xangdau.net