Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Ẩn họa từ những cây xăng mi-ni

Càng về cuối năm các phương tiện tham gia giao thông càng trở nên đông đúc. Nắm được đặc điểm đó, gần đây trên thị trường xuất hiện khá nhiều cây xăng mi-ni đặt sát lề đường, thậm chí cơ động bán xăng ở những chỗ đông xe cộ qua lại, nhất là vào ban đêm. Những cây xăng này tuy khá tiện phục vụ hành khách nhỡ độ đường nhưng lại tiềm ẩn nhiều hiểm họa và chất lượng chẳng ai quản lý…
 
Hai cây xăng mi-ni sát lề đường cầu Am, Hà Đông
Tối tối trên các tuyến đường thuộc khu vực Hà Đông, Mỹ Đình, Cầu Giấy (Hà Nội) hẳn ai cũng thấy hàng loạt những cây xăng mi-ni tự chế mọc lên nhan nhản ở ngã ba, ngã tư, dưới chân cột đèn cao áp hoặc ngay sát lòng đường, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách qua đường. Chỉ cần một cái bình giống bình ga cũ hoặc một thùng bằng gang chứa được khoảng hơn hai chục lít là có thể thành… cây xăng mi-ni, khá gọn nhẹ, vốn đầu tư chẳng đáng là bao. Anh Lê Văn Thực, “chủ” một cây xăng mi-ni, thường bán tại ngã ba đường Lê Đức Thọ - Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy), cho biết: Mỗi tối anh bán hết khoảng một bình (tương đương 20 lít), ngày lễ có thể gấp đôi. Cây xăng của anh thỉnh thoảng mới di chuyển sang bên đường đối diện Nhà hát Quân đội hoặc ngã ba đường Phạm Hùng-Xuân Thủy vì ở đó là “đất” của người khác. Ngay tại đường cầu Am, Hà Đông, Hà Nội gần siêu thị Vinatex cũng có 2 cây xăng mi-ni cách nhau chưa đầy 10 mét. Hoặc trên đường Phạm Hùng đoạn chạy qua khu đô thị mới Mễ Trì cũng có thêm 3 cây xăng mi-ni…
 
Điều đáng bàn là chất lượng phục vụ của những cây xăng này và mức độ an toàn của nó. Chị Phạm Thị Thủy, nhà ở phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội phàn nàn: Tối chủ nhật rồi có việc gấp tôi phải đi Cổ Nhuế, đến đoạn Đình Thôn gần bến xe Mỹ Đình thì xe hết xăng. Ghé vào cây xăng mi-ni gần đó tôi đổ một lít đi tạm với giá 15.000 đồng, trong khi giá chung chỉ có 11.000 đồng. Nhỡ thì phải đổ nhưng bực nhất là bị đong thiếu. Chưa đầy 40km chiếc xe Super Dream của tôi ngốn sạch một lít xăng (!). Chị Thủy giải thích: “Đổ xăng ở những chỗ uy tín, cũng bằng ấy xe tôi chạy được gần 60km. Vậy mà… Tức không để đâu hết”. Cũng trong tâm trạng bức xúc, anh Lê Đức Tiến, ngụ tại Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, cho biết: Không những đong thiếu, giá cao mà chất lượng xăng còn pha tạp cả A92, A95 đủ loại, đỏ quạch. Gặp phải thứ xăng này hại máy là điều chắc chắn! Tuần trước anh cũng bất đắc dĩ phải đổ một lít ở cây xăng mi-ni trên đường Nguyễn Phong Sắc, khi nổ máy tiếng kêu khác hẳn. Hôm sau anh phải dậy sớm tháo bỏ hết chỗ xăng còn lại…
 
Tìm hiểu chúng tôi thấy: Hầu hết các cây xăng mi-ni có một bình thủy tinh gắn ở phía trên, có khắc các vạch màu trắng, dài ngắn khác nhau tương ứng với một lít, nửa lít. Tiêu chuẩn khắc vạch thì chẳng có cơ quan chức năng nào quy định mà chỉ do cơ sở sản xuất tự đo, tính rồi cho ra đời hàng loạt. Hơn thế nữa độ rộng của mỗi vạch khắc cũng phải 5ly. Chỉ thế thôi đủ thấy lượng xăng chứa bên trong chính xác đến mức độ nào? Ấy là chưa kể thói quen gian lận, bớt xén của những người bán lẻ. Hậu quả là người mua lãnh đủ!
 
Về nguồn cung cấp xăng cũng khá đa dạng. Họ mua lại từ những cây xăng lớn, hoặc của một số tài xế xe công thuộc đơn vị, cơ quan Nhà nước; cũng có khi từ các đại lý xăng bán lẻ, chất lượng đương nhiên rất kém.
 
Nói về độ an toàn của những cây xăng mi-ni này quả thật đáng ngại. Phía trên cùng của bình thuỷ tinh được đậy bằng một miếng tôn hoặc sắt tây mỏng, khá bé chẳng đủ che nắng, che mưa. Thùng chứa thì không theo quy chuẩn nào. Trên thực tế đã có một số vụ cháy do bể bình xăng, tuy hậu quả không lớn nhưng nguy cơ của nó luôn tiềm ẩn nhất là khi bình chứa đầy xăng, để trong nhà. Chỉ cần một sự cố chập điện rất nhỏ hay một chút tàn thuốc lá hoặc sơ ý vật cứng chạm phải làm vỡ bình chứa là tai họa xảy ra tức khắc. Thật nguy hiểm vô cùng!
 
Các cây xăng mi-ni mặc sức hoạt động, trong khi đó chưa có cấp, ngành nào kiểm tra, quản lý và cũng chưa có quy định, văn bản hướng dẫn nào của chính quyền địa phương, cơ quan Nhà nước điều chỉnh lĩnh vực này. Những nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn với chính những người bán xăng và những hộ xung quanh. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp quản lý chất lượng, ngăn ngừa hiểm họa từ những cây xăng mi-ni nói trên, chớ để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
 
(Quân đội nhân dân)
 

ĐỌC THÊM