Nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ, đang đàm phán mức giá giảm mạnh đối với dầu của Nga mà họ chuẩn bị mua, yêu cầu mức giá dưới 70 USD/thùng để bù đắp cho những rắc rối về hậu cần, tài chính và lệnh trừng phạt đối với việc mua dầu thô hiện đang bị hầu hết các nước phương Tây xa lánh, Bloomberg đưa tin hôm thứ Tư, trích dẫn các nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Ấn Độ - một nước mua dầu thô nhạy cảm với giá, trước đó đã nhiều lần chỉ trích OPEC và OPEC+ vì giữ giá dầu ở mức “cao một cách giả tạo” - đã tăng cường mua dầu thô của Nga. Trước chiến tranh, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ hiếm khi mua dầu từ Nga với quy mô như vậy vì chi phí vận chuyển cao.
Giờ đây, Ấn Độ - cùng với Trung Quốc - được coi là một trong số ít người mua sẵn sàng giao dịch với dầu của Nga và đang sử dụng lợi thế đó trong các cuộc đàm phán cấp cao với Nga. Theo các nguồn tin của Bloomberg, Ấn Độ muốn Nga giảm giá dầu xuống dưới 70 USD/thùng.
Theo các nguồn tin của Bloomberg, nếu Ấn Độ và Nga đồng ý về mức chiết khấu khủng như vậy - với dầu Brent hơn 108 USD/thùng vào ngày thứ Tư - các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu nhà nước ở Ấn Độ có thể nhập khẩu tới 15 triệu thùng dầu của Nga vào tháng 5. Con số này tương đương với khoảng 10% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ.
Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ không né tránh dầu thô của Nga, thì khâu hậu cần vận chuyển dầu từ Biển Đen và các cảng Baltic của Nga đến châu Á cùng với sự khan hiếm tàu chở dầu, bảo lãnh ngân hàng và bảo hiểm cho hàng hóa của Nga sẽ làm hạn chế lượng dầu mà châu Á có thể nhập và bù đắp cho những thùng dầu bị mất không còn được chuyển đến châu Âu, các nhà phân tích nhận định.
Hiện nay các nhà máy lọc dầu Ấn Độ dường như không thể cưỡng lại những thùng dầu giá rẻ của Nga, bất chấp những cảnh báo từ Hoa Kỳ rằng việc mua dầu của Putin không phải là quyền lợi tốt nhất của New Delhi.
Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong việc tham gia cùng hầu hết các quốc gia trên thế giới lên án việc Nga xâm lược Ukraine trong các nghị quyết của Liên hợp quốc, đồng thời có quan hệ quốc phòng và quân sự với Moscow.
Nguồn tin: xangdau.net