Ấn Độ không cam kết và không bắt buộc phải mua dầu thô của Nga dưới mức giá trần 60 USD do các quốc gia phương Tây áp đặt, một nguồn tin tại Bộ dầu mỏ Ấn Độ nói với Reuters hôm thứ Ba.
Nga đã và đang chuyển hướng xuất khẩu phần lớn dầu thô của mình sang Trung Quốc và Ấn Độ kể từ khi EU và G7 công bố kế hoạch cấm nhập khẩu dầu bằng đường biển từ Nga và áp đặt giá trần đối với dầu thô nếu nó được vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu và dịch vụ của các công ty bảo hiểm của phương Tây.
Ấn Độ không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết với phương Tây để tuân theo mức giá trần của G7, nguồn tin nói với Reuters.
Ấn Độ không tuân thủ giới hạn giá của G7 vì nước này tìm kiếm cơ hội mua dầu thô giá rẻ.
Tuy nhiên, phương Tây tin rằng giá trần đang mang lại lợi ích cho hai nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn của châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, với lợi thế thương lượng để đàm phán giảm giá mạnh từ Nga, với các thương nhân chịu chi phí vận chuyển. Mỹ và EU coi đòn bẩy ngày càng lớn của Trung Quốc và Ấn Độ trong việc thúc đẩy một cuộc mặc cả đối với dầu mỏ của Nga là một thành công của chính sách giá trần.
Từ một nước mua dầu không đáng kể của Nga trước khi nước này xâm lược Ukraine, Ấn Độ đã trở thành thị trường xuất khẩu trọng điểm của Moscow và đang nhập khẩu lượng dầu thô kỷ lục của Nga.
Nga hiện cung cấp khoảng 35% tổng lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ, trái ngược hoàn toàn với mức chưa tới 1% trước chiến tranh Ukraine. Dựa trên dữ liệu do công ty tư vấn Vortexa cung cấp, Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 1,62 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 2 từ Nga - mức cao kỷ lục mới.
Bộ trưởng Dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri nói với CNBC vào tháng trước rằng Ấn Độ sẽ mua dầu mà nước này tiêu thụ từ "bất cứ nơi nào chúng tôi phải mua" nếu có lợi về mặt kinh tế cho đất nước.
“Hiện nay chúng tôi cảm thấy tự tin rằng chúng tôi sẽ có thể sử dụng thị trường của mình để tìm nguồn cung từ bất cứ nơi nào chúng tôi có, từ bất cứ nơi nào chúng tôi nhận được các điều khoản có lợi,” Bộ trưởng phát biểu.
Nguồn tin: xangdau.net