Nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ, đã phê chuẩn việc ký thỏa thuận hợp tác với Guyana, nhà xuất khẩu dầu mới nhất thế giới, bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị từ cung cấp dầu thô đến thăm dò ngoài khơi quốc gia Nam Mỹ này.
Chính phủ Ấn Độ hôm thứ Sáu đã phê duyệt việc ký Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Bộ Dầu khí và Khí tự nhiên Ấn Độ với Bộ Tài nguyên Guyana về hợp tác trong lĩnh vực hydrocarbon.
Chính phủ Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố: “MoU được đề xuất bao gồm toàn bộ chuỗi giá trị của lĩnh vực hydrocarbon, từ việc tìm nguồn cung ứng dầu thô từ Guyana, sự tham gia của các công ty Ấn Độ trong lĩnh vực Thăm dò và Khai thác (E&P) của Guyana,” cùng nhiều lĩnh vực khác.
Thỏa thuận này sẽ có thời hạn ban đầu là 5 năm và sẽ được tự động gia hạn nếu hai nước không phản đối việc gia hạn.
Nội các Ấn Độ cho biết, thỏa thuận với Guyana sẽ giúp Ấn Độ đa dạng hóa nguồn dầu thô, tăng cường an ninh nguồn cung và năng lượng của Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu khoảng 85% tổng lượng dầu thô mà nước này tiêu thụ và đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cũng như mua dầu thô với giá rẻ nhất có thể.
Về phần mình, Guyana có tiềm năng rất lớn để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu dầu trong thập kỷ này.
Nước này đã trở thành quốc gia sản xuất dầu mới nhất trên thế giới vào năm 2019 sau khi ExxonMobil và đối tác Hess Corp bắt đầu khai thác từ lô Stabroek, nơi các công ty đã phát hiện ra hơn 11 tỷ thùng dầu tương đương cho đến nay.
Hiện tại, Guyana sản xuất khoảng 380.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tất cả đều đến từ các giếng do Exxon vận hành. Và có vẻ như sẽ tăng gấp ba sản lượng đó và bơm 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2027.
Guyana, cùng với Hoa Kỳ và Brazil, dự kiến sẽ dẫn đầu tăng trưởng sản lượng dầu và mở rộng công suất từ các nhà sản xuất bên ngoài OPEC và liên minh OPEC+ trong thập kỷ này, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết trong báo cáo thường niên về Dầu 2023 với các dự báo đến năm 2028.
Nguồn tin: xangdau.net