Theo số liệu của chính phủ Trung Quốc, Ả Rập Xê-út đã vượt qua Nga một cách suýt soát để giữ danh hiệu nhà cung cấp dầu lớn nhất cho nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, là Trung Quốc, trong năm 2020.
Trong phần lớn thời gian năm ngoái, Ả Rập Xê-út - nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - và đối tác quan trọng của họ trong thỏa thuận OPEC +, Nga, đã đối đầu trong một cuộc đua rất sát sao cho vị trí dẫn đầu với tư cách là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc.
Cuối cùng, Ả Rập Xê Út đã vượt qua Nga, vận chuyển trung bình 1,69 triệu thùng/ngày đến Trung Quốc, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc được Reuters trích dẫn.
Xuất khẩu dầu của Ả Rập Xê Út sang Trung Quốc trong năm 2020 đã tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước đó.
Xuất khẩu của Nga đã tăng trưởng lớn hơn trong năm ngoái so với mức tăng xuất khẩu của Ả Rập Xê Út, 7,6% so với năm 2019. Tuy nhiên, tổng lượng dầu bình quân của Nga bán cho Trung Quốc ở mức 1,67 triệu thùng/ngày, thấp hơn trung bình khoảng 20.000 thùng/ngày so với các lô hàng của Ả Rập Xê Út, theo ước tính của Reuters dựa trên dữ liệu hải quan Trung Quốc tính bằng tấn.
Điều này có nghĩa là Ả Rập Xê Út vẫn là nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc trong năm thứ hai liên tiếp, sau khi giành vị trí đầu bảng từ Nga vào năm 2019. Trong năm đó, Ả Rập Xê Út đã nâng đáng kể doanh số bán dầu thô tới nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, thúc đẩy xuất khẩu đến Trung Quốc lên tới 47% và vượt qua Nga để giành vị trí đầu bảng trong danh sách các nhà cung cấp dầu cho Trung Quốc lần đầu tiên sau 4 năm.
Vào năm 2020, Iraq là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ ba cho Trung Quốc, trong khi Brazil đứng thứ tư, tận dụng sức mua của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc vào mùa xuân và mùa hè khi giá dầu ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Cũng cần lưu ý vào năm 2020, Trung Quốc đã tăng hơn gấp ba lượng nhập khẩu dầu thô từ Mỹ lên 394.000 thùng/ngày, sau khi các nhà máy lọc dầu tăng tốc mua dầu thô của Mỹ vào cuối năm như một phần của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Theo ước tính của Reuters, mặc dù các lô hàng dầu thô của Mỹ cao hơn, nhưng tổng giá trị mua các sản phẩm năng lượng từ Mỹ của Trung Quốc chỉ bằng 38,7% so với chỉ tiêu 25,3 tỷ USD trong thỏa thuận, theo ước tính của Reuters.
Nguồn tin: xangdau.net