Cuộc tranh luận về việc giảm phát thải và con đường phía trước cho các công ty dầu mỏ đã chuyển sang một cấp độ hoàn toàn mới kể từ khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra báo cáo gây tranh cãi hồi tháng trước cho rằng không cần đầu tư mới vào dầu và khí đốt nếu thế giới muốn đạt phát thải net-zero vào năm 2050.
Các nhà hoạt động môi trường và cổ đông đã tăng áp lực lên các công ty dầu khí đại chúng lớn để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của họ theo kịch bản không phát thải, trong khi một số hãng dầu quốc tế lớn thừa nhận rằng họ có một vai trò trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Tuy nhiên, hai nước đi đầu trong nhóm OPEC +, là Ả Rập Xê-út và Nga, sẽ tiếp tục đầu tư vào dầu khí vì theo họ, thế giới sẽ vẫn cần những nguồn tài nguyên đó trong nhiều thập kỷ, bất chấp việc đẩy lùi nhiên liệu hóa thạch ngày càng tăng và đầu tư vào nguồn cung mới.
Việc thiếu đầu tư trong nhiều năm vào nguồn cung dầu khí trong khi các giếng dầu lâu năm sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nguồn cung và đẩy giá dầu tăng vọt, các nhà phân tích và giám đốc điều hành hàng đầu của Big Oil như Patrick Pouyanné của TotalEnergies cho biết.
Trong khi các hãng dầu mỏ quốc tế lớn có phần kiềm chế hơn trong quan điểm của họ về báo cáo IEA, thì Ả Rập Xê-út và Nga đã không hề vòng vo và nói thẳng rằng đề xuất về việc không đầu tư dầu khí mới là “phi thực tế, "quá đơn giản" và được lấy ra từ kịch bản "La La Land" (những kẻ khờ mộng mơ).
Giám đốc điều hành của BP, ông Bernard Looney, đã viết rằng dự báo về các khoản đầu tư thấp hơn nhiều vào dầu và khí đốt “theo nhiều cách là phù hợp với cách tiếp cận của chúng tôi – để giảm sản lượng dầu và khí đốt của chúng tôi xuống 40% trong thập kỷ tới”. Giám đốc điều hành của Eni, Claudio Descalzi, đã nhận xét trên bài đăng của Looney rằng “Chúng ta hiện đang ở một bước ngoặt lịch sử, nơi mỗi người chúng ta cần đóng một vai trò tích cực.”
Nhưng Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã chỉ trích báo cáo này một cách rõ ràng và quả quyết, nói rằng đây là “phần tiếp theo của bộ phim La La Land. Tại sao tôi phải xem xét nó một cách nghiêm túc?”
Tại Nga, giám đốc điều hành của nhà sản xuất dầu lớn nhất nước, Rosneft do nhà nước kiểm soát, cảnh báo rằng việc thiếu đầu tư vào dầu đang tạo tiền đề cho sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.
“Sự ổn định lâu dài của nguồn cung dầu đang gặp nguy cơ do thiếu vốn đầu tư. Điều này là do cả yêu cầu của các bên liên quan khác nhau về việc ngừng đầu tư hoàn toàn vào lĩnh vực dầu khí và nguyện vọng của các hãng dầu lớn là tăng lợi ích và lợi nhuận chocổ đông thông qua chi trả cổ tức cao hơn và mua lại cổ phiếu”, Giám đốc điều hành của Rosneft, Igor Sechin cho biết tại Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Petersburg vào thứ Bảy tuần trước.
“Thế giới có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt dầu và khí nghiêm trọng,” Sechin nói thêm và lưu ý rằng “Thế giới tiêu thụ dầu, nhưng không sẵn sàng đầu tư vào nó.”
Sechin cảnh báo việc chuyển đổi vội vã mà không xem xét đến hiệu quả kinh tế của năng lượng xanh và nói rằng thế giới nên “tránh chỉ tập trung vào thế hệ thay thế”.
Bên lề diễn đàn này, nhà đàm phán chính sách dầu mỏ hàng đầu của Nga, Phó Thủ tướng Alexander Novak, nói với CNBC rằng báo cáo của IEA sử dụng “cách tiếp cận quá đơn giản” và “phi thực tế”.
“Chắc chắn là, chúng ta cần phải sử dụng năng lượng xanh và hướng tới chương trình nghị sự xanh vì xã hội có nhu cầu về năng lượng xanh, nhưng chúng ta cần phải rõ ràng việc này có thể được thực hiện với những nguồn lực nào, ai sẽ trả tiền cho nó, công nghệ và cơ hội nào có sẵn cho chúng ta, trong đó có việc để giải quyết các vấn đề tồn đọng vẫn đang chờ đợi giải pháp”, ông Novak nói.
Ông lưu ý thêm rằng Nga sẽ tiếp tục đầu tư vào dầu, khí đốt và than đá, cùng với các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, “vì vậy, chúng tôi cho rằng thập kỷ tới là sử dụng kết hợp giữa năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch”.
Nga, cũng như Ả Rập Xê-út, thực sự rất ít quan tâm đến việc rời bỏ các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch vì họ và các công ty dầu khí nhà nước của họ có thể là những người hưởng lợi lớn nhất trong phong trào khí hậu chống lại các công ty dầu mỏ quốc tế hiện nay, những hãng này vốn phải đối mặt với sự phản đối ngày càng lớn của các cổ đông hoạt động về "việc giữ dầu ở lại trong lòng đất."
Saudi Arabia đang “sản xuất dầu khí với chi phí thấp và sản xuất năng lượng tái tạo. Tôi kêu gọi thế giới chấp nhận điều này như một thực tế: rằng chúng ta sẽ là người chiến thắng trong tất cả các hoạt động này”, Hoàng tử Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman cho biết vào tuần trước.
Nguồn tin: xangdau.net