Các nhà chức trách Ả Rập Saudi khẳng định sản lượng cũng như giá của dầu mỏ sẽ không bị vướng vào vòng xoáy khủng hoảng ngoại giao liên quan tới vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih tuyên bố Riyadh sẽ sớm nâng sản lượng dầu từ 10,7 triệu thùng lên 11 triệu thùng/ngày. Ảnh: Reuters.
Theo Reuters dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih, nước này không có ý định áp đặt một lệnh cấm vận dầu mỏ lên các khách hàng phương Tây theo “kiểu năm 1973”, đồng thời nhấn mạnh rằng Riyadh sẽ tách bạch chính trị - khủng hoảng liên quan tới nhà báo Jamal Khashoggi – với dầu mỏ.
“Không hề có ý định nào như thế”, Bộ trưởng Khalid nói với cơ quan thông tấn Nga TASS vào hôm nay (22.10).
Trước đó vào hôm qua (21.10), trái ngược với cách tiếp cận thận trọng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhiều chính trị gia hàng đầu nước Mỹ đã bắt đầu nhắm vào Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, cho rằng chính nhà lãnh đạo này đã ra lệnh hạ sát phóng viên Jamal Khashoggi của tờ Washington Post.
Một số nghị sĩ còn cho rằng Washington nên áp đặt cấm vận lên Ả Rập Saudi. Tuy nhiên, Riyadh – nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới – đã thề sẽ đáp trả cấm vận bằng các “biện pháp nặng hơn”. Nhiều người lo ngại rằng biện pháp mà vương quốc này sử dụng sẽ là cấm vận dầu mỏ.
“Sự việc này rồi sẽ qua đi. Tuy nhiên, Ả Rập Saudi vẫn là một quốc gia rất có trách nhiệm. Trong hàng thập kỷ, chúng tôi sử dụng chính sách dầu mỏ như một công cụ kinh tế có kiểm soát và cô lập, giữ cho việc sản xuất dầu mỏ không dính líu đến chính trị”, Bộ trưởng Falih tuyên bố.
“Là Bộ trưởng Năng lượng, tôi có nhiệm vụ thực thi vai trò xây dựng có trách nhiệm của chính phủ Ả Rập Saudi để góp phần ổn định thị trường năng lượng thế giới, đóng góp cho phát triển kinh tế toàn cầu”.
Bên cạnh đó, ông Falih còn giải thích rằng Ả Rập Saudi không có lý do gì để lặp lại hành động hồi năm 1973 bởi giá dầu tăng sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu chậm lại và thậm chí là gây ra suy thoái. Tuy nhiên, vị Bộ trưởng cảnh báo rằng trong bối cảnh lệnh cấm vận dầu mỏ của Mỹ áp đặt lên Iran sẽ có hiệu lực toàn phần vào tháng 11 tới, không có gì có thể đảm bảo giá dầu sẽ được giữ nguyên như ở mức hiện tại.
“Sẽ không có một lời đảm bảo nào bởi chính tôi cũng không thể dự đoán được chuyện gì sẽ xảy ra với các nhà cung cấp dầu mỏ khác”, ông Falih trả lời khi được hỏi liệu thế giới một lần nữa có phải đối mặt với mức giá 100USD/thùng dầu hay không.
“Chúng ta đang có cấm vận đặt lên Iran và không ai biết được ngành xuất khẩu dầu mỏ Iran sẽ ra làm sau. Bên cạnh đó, sản lượng dầu có thể bị tụt giảm ở nhiều quốc gia như Libya, Nigeria, Mexico và Venezuela”.
Nguồn tin: danviet.vn