Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, việc tăng thuế môi trường đối với xăng dầu sẽ khiến dư luận bức xúc vì lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý.
Mới đây, Bộ Tư pháp vừa thay mặt Chính phủ ký tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong đó có nội dung nâng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 8.000 đồng/lít vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Theo đó, dự kiến tháng 4 này Bộ Tài chính sẽ lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân; tháng 5 xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, để tháng 6 trình Chính phủ dự án luật. Trong tháng 7, dự án luật sẽ được gửi sang Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội để thẩm tra; tháng 8 sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua.
Áp thuế xăng lên tối đa 8.000 đồng/lít sẽ gây xung đột lợi ích.
Trước đó, Bộ Tài chính đã công bố Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường để lấy ý kiến rộng rãi. Theo Dự thảo, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với hiện nay.
Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng etanol) mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp mức từ 2.500 - 7.2000 đồng/lít.
Đối với dầu diezel, mức thuế sẽ đánh 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng như hiện hành. Mỗi kg dầu ma dút cũng có thể sẽ phải chịu thuế tối đa gấp 3 lần hiện nay, tức là tăng 900 - 4.000 đồng, trongg khi đó dầu hỏa sẽ chịu mức thuế từ 300 - 2.000 đồng.
Thông tin này ngay lập tức bị dư luận phản ứng, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải vì việc đánh thuế này được đánh giá là ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp, đặc biệt là quyền lợi của người dân.
Đánh giá về việc này khi Bộ Tài chính công bố dự thảo, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc áp thuế bảo vệ môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, việc Bộ Tài chính nâng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu với mức khung từ 3.000 - 8.000 đồng/lít trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường là quá cao, không hợp lý.
Dẫn giải cho nhận định của mình, ông Long cho biết, hiện nay chỉ có một số nước trên thế giới thực hiện việc thu thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu mà trong đó lại có Việt Nam.
Theo ông Long, mỗi lít xăng đã phải gánh rất nhiều loại thuế phí, có lúc thuế phí chiếm gần 50% trong giá mỗi lít xăng. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là Mỹ thì mức thuế phí hiện giờ của nước ta là quá cao, cao gấp rưỡi Mỹ.
Ông Long cũng cho biết, trước đây, khi cơ quan quản lý đánh thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 - 4.000 đồng/lít đã gây phản đối của dư luận thì việc tăng thuế nữa sẽ khiến dư luận bức xúc. Theo ông, vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay là lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường.
Vị chuyên gia cũng cho biết, việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bởi khi thuế tăng thì các loại phí sẽ tăng mà phí tăng sẽ kéo giá đẩy lên cao, chính vì vậy sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, trong khi đó, các doanh nghiệp Việt thì khả năng cạnh trạnh đã rất yếu.
Nói về việc tăng thuế nhằm để ổn định nguồn thu ngân sách, ông Long không đồng tình và cho rằng thuế một công cụ rất quan trọng, nó kích thích hoặc hạn chế sản xuất, trong khi đó, nếu dùng thuế để tăng nguồn thu thì đây là một quan điểm đi trái với sự phát triển của ngành thuế. " Nguyên tắc của ngân sách là phải thu đúng, thu đủ vì vậy không thể vì khó khăn ngân sách mà tăng thuế bắt người dân phải gánh chịu", ông Long nói.
Nguồn tin: Doanhnghiepvn