Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

643 cây xăng dầu móc túi người tiêu dùng

Con số trên đã được công bố tại Hội nghị tổng kết đợt thanh tra chuyên đề đo lường, chất lượng xăng dầu, gas ngày 26-12, tại Hà Nội của Bộ Khoa học và Công nghệ. So với đợt thanh tra hồi tháng 7 và 9, số trường hợp gian lận đo lường xăng dầu bị phát hiện và xử lý tăng gấp 3 lần.
 
Vi phạm về phương tiện đo là phổ biến

Các dấu hiệu gian lận đo lường xăng dầu cần được phổ biến công khai (ảnh minh họa)

Hiện nay cả nước có khoảng 4 vạn cột đo xăng dầu trong đó sản xuất trong nước chiếm xấp xỉ 40%, còn lại là nhập khẩu. Bộ KH&CN cho biết, kết quả trên là từ cuộc thanh tra 3.890 cơ sở xăng dầu được thực hiện trong 4 tháng qua. Trong đó, sai số phương tiện đo là lớn nhất với 189 lượt cơ sở bị phát hiện vi phạm. Kế đến là sai số về phép đo với 160 lượt cơ sở bị phát hiện vi phạm. 140 lượt cơ sở vi phạm về chất lượng xăng dầu, 118 lượt cơ sở vi phạm về kiểm định phương tiện đo, 97 lượt cơ sở vi phạm về ghi nhãn, 57 lượt cơ sở có hành vi tác động làm thay đổi tình trạng kỹ thuật.
 
Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, ông Trần Minh Dũng cho biết, nhiều cơ sở tự ý phá niêm phong chì để hiệu chỉnh phương tiện đo theo hướng có lợi cho người bán với mức sai số quá lớn. Đặc biệt, Gia Lai và Nghệ An là 2 tỉnh đứng đầu về các vi phạm gian lận. Bộ đã phát hiện 16 cơ sở gắn thêm bảng mạch điện tử gây sai số lên tới 9,3%. Tại Đắk Lắk, đoàn kiểm tra đã phát hiện 2 cửa hàng kinh doanh xăng dầu gian lận bằng cách sử dụng IC với mã số bí mật cài đặt để có thể điều khiển lượng hàng qua bàn phím hoặc cột bơm bằng cách đóng ngắt công tắc điện gây sai số lên tới 5,6%.
 
Tình trạng này phổ biến ở Hưng Yên, Nam Định, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Long An, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam... Ngoài ra, nhiều cơ sở đã tự ý pha loại xăng có trị số ốctan thấp như M83 với xăng có trị số ốctan cao hơn như M92, M95 nhưng vẫn niêm yết bán với giá của M92, M95.
 
Có thể nói, hành vi gian lận của các cơ sở này ngày một tinh vi, phức tạp hơn, áp dụng công nghệ cao nên rất khó giám sát và phát hiện. Năm 2003, số cơ sở lắp các bảng mạch vi điện tử để làm sai số đo bị phát hiện chỉ chiếm 0,5% tổng số cơ sở thanh tra thì đến 2008 con số này là 7,15%.
 
Các cơ sở bị phạt quá nhẹ

Bảng mạch điện tử được gắn vào cột đo làm sai số

Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng, ông Hồ Tất Thắng đánh giá, tổng số tiền xử phạt hơn 3,8 tỷ đồng trong đợt thanh tra cả 2 mặt hàng xăng dầu và gas vừa rồi là quá nhẹ. Trung bình mỗi cơ sở chỉ bị phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, con số này quá nhỏ so với lợi nhuận hàng tỷ đồng cơ sở thu được từ các hành vi gian lận. Kinh doanh xăng dầu, gas là mặt hàng có điều kiện, Bộ Công Thương mới ban hành các tiêu chí cấp phép mà chưa ban hành tiêu chí rút giấy phép đối với những cơ sở vi phạm.
 
Ông Trần Quốc Thắng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, hiện nay pháp luật của chúng ta mới chỉ dừng lại ở chăm lo cho các chế tài xử phạt thì chưa đủ mà ngay chế tài quản lý cũng còn thiếu chặt chẽ.

Phát hiện 154 cơ sở kinh doanh gas gian lận
 
Trong đợt thanh tra chuyên đề từ tháng 8 đến nay, Bộ KH&CN đã kiểm tra phát hiện và xử lý 154 cơ sở kinh doanh gas vi phạm về đo lường và chất lượng trên tổng số 636 cơ sở đã thanh tra, chiếm 24,4% số cơ sở thanh tra.
 
 Trong đó, chủ yếu vẫn là tình trạng bơm thiếu, ăn bớt của khách hàng (99 lượt cơ sở, chiếm 64,28% cơ sở vi phạm), bình gas không được điểm định (16 lượt cơ sở, chiếm 10,38%), sang chiết gas trái phép có 11 lượt cơ sở vi phạm, chiếm 7,14%.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), ông Phạm Quang Viễn mạnh dạn đề xuất ý kiến sửa lại Bộ luật Hình sự để bổ sung một số hành vi vi phạm đặc biệt là những cơ sở tái phạm ra tòa án hình sự để tăng cường tính răn đe.
 
Nhà nước nên cấm hẳn lưu hành loại xăng pha chì M83 vốn từ lâu đã được coi là không đủ tiêu chuẩn lưu hành do gây ô nhiễm vì nồng độ chì cao, tránh việc doanh nghiệp sẽ lợi dụng để pha trộn lẫn lộn nhiều loại xăng chất lượng kém bán giá cao. Điều này vừa không bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường và hỏng hóc các phương tiện.
Ông Trần Quốc Thắng cho rằng Nhà nước nên ban hành chế tài truy thu tất cả khoản lợi nhuận từ các hành vi vi phạm của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas dùng vào việc tăng cường năng lực cho công tác thanh tra, kiểm tra. Đồng thời, Bộ KH&CN sẽ công bố rộng rãi các dấu hiệu nhận biết các hành vi gian lận, những cây xăng ăn bớt, kém chất lượng để người tiêu dùng có thể phát hiện và tránh xa những cơ sở kinh doanh gian lận đó.
 
(An ninh thủ đô)

ĐỌC THÊM