Thị trường trái phiếu đang truyền đi một thông điệp đến nền kinh tế mà những người chơi cổ phiếu sẽ không muốn nghe.
Vài ngày sau khi Anh quyết định rời EU, một loạt tài sản rủi ro bao gồm cả cổ phiếu đều tăng mạnh. Đi cùng với xu hướng đó, trái phiếu chính phủ cũng tăng. Điều đó cho thấy 2 triển vọng trái ngược nhau về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Giá trái phiếu tăng khiến cho lãi suất nợ chính phủ giảm. Hơn nữa, kỳ vọng chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong tương lai đã kích hoạt tâm lý bầy đàn trên thị trường chứng khoán.
Sự dịch chuyển dòng tiền sang nhóm tài sản an toàn đã khiến cho các nhà nghiên cứu phải đặt câu hỏi về độ bền lâu của cơn sốt trên thị trường chứng khoán vừa qua. Tuần trước chỉ số S&P 500 đã tăng 3,5%. FTSE 100 đã khôi phục lại những gì đã mất trong vụ Brexit. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng thị trường chứng khoán tăng mạnh như vậy là do lợi suất trái phiếu giảm khiến nhà đầu tư phải đi tìm các loại tài sản khác có lợi suất cao hơn. Chính vì vậy, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn.
Tuần trước cũng là một tuần đầy biến động đối với thị trường nợ công toàn cầu khi mà một loạt những diễn biến lịch sử được ghi nhận. Quan trọng nhất là lợi suất trái phiếu 10 năm và 30 năm của Mỹ đạt điểm thấp mới nhất. Lợi suất trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha cũng lún sâu vào mức thấp lịch sử và tỷ suất trái phiếu chính phủ Thuỵ Điển từ hôm 1/7 đã xuống mức âm.
Trong khi đó, thước đo lợi suất trái phiếu 10 năm của Fed New York (chỉ số phản ánh độ rủi ro của nợ dài hạn) đã rơi xuống mức âm 0,66% - xoá sổ mức lợi suất năm 1962 ra khỏi ngôi vị thấp nhất lịch sử.
Hiện nay, lạm phát kỳ vọng suy ra từ trái phiếu chính phủ Mỹ đang giảm song song với đà tăng của cổ phiếu. Nhóm nghiên cứu tại TD Securities nhận định, hai xu thế trái ngược tồn tại đồng thời đó cho thấy một sự "rời rạc nguy hiểm" giữa lãi suất và chứng khoán.
"Chúng ta đang lầm tưởng rằng thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại sau cơn bão Brexit, nhưng bất ổn vẫn đang còn đợi nhà đầu tư ở phía trước khi mà chính sách tiền tệ nới lỏng được thực thi, cộng thêm kỳ vọng rằng Brexit sẽ không xảy ra bỏ mặc kết quả cuộc trưng cầu dân ý. Tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng do khủng hoảng tại vương quốc Anh - nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới". Priya Misra thuộc nhóm nghiên cứu TD Securities nhận định.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra hai bằng chứng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai đang chậm dần. Thứ nhất, kể từ đầu năm đến nay, đường cong lợi suất trái phiếu Mỹ có xu hướng đi ngang. Thứ hai, các khoản nợ có kỳ hạn khác nhau nhưng lại có mức lãi suất tương tự nhau.
Độ chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đã bị thu hẹp lại kể từ ngay sau khi cuộc trưng cầu dân ý tại Anh xảy ra do nhà đầu tư đua nhau đổ tiền vào tài sản rủi ro thấp trong ngắn hạn. Mô hình theo dõi của Deutsche Bank nhận định rằng đường cong lợi suất hiện nay đang truyền đi một thông điệp nguy hiểm rằng 60% khả năng là Mỹ sẽ rơi vào một cuộc suy thoái trong vòng 12 tháng tới. Con số này đã tăng từ 55% hồi giữa tháng 6. Đây là mức đáng báo động, cao nhất kể từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tháng 8/2008.
Dominic Konstam - trưởng nhóm nghiên cứu tại Deutsche nhận định: "So sánh với đường cong lãi suất thường xảy ra trước mỗi giai đoạn khủng hoảng, khả năng một giai đoạn khủng hoảng ngắn hạn nữa sắp xảy ra đang gia tăng."
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg