Sẽ không có gì là đáng ngạc nhiên nếu bà Yellen một lần nữa giữ nguyên tỉ lệ lãi suất tại cuộc họp vào ngày 14/6.
Trong 7 năm qua, Fed chỉ tăng tỉ lệ lãi suất một lần, từ 0,25% đến 0,5% tại cuộc họp của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vào tháng 12/2015. Bà Janet Yellen, người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, thường bị chỉ trích là đã lo âu thái quá. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại không thể phủ nhận có nhiều yếu tố cản trở người đàn bà quyền lực này ra quyết định tăng lãi suất tại cuộc họp sẽ diễn ra trong mấy ngày tới.
Kể từ năm 2010, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kiến tạo thêm trên 8 triệu việc làm mới và GDP của Mỹ tăng từ 14,7 ngàn tỉ USD năm 2008 lên 17,4 ngàn tỉ USD năm 2014, vượt mức đỉnh trước cuộc khủng hoảng năm 2009. Tuy nhiên, thời gian gần đây sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính đã không đi theo con đường cần phải có.
Theo các nhà phê bình, Fed đã đề ra barem tăng lãi suất quá cao. Các nhà phân tích cho rằng con đường tăng trưởng của Mỹ không phải lúc nào cũng suôn sẻ và thực tế 3 tháng đầu năm nay bộc lộ cả điểm yếu. Sẽ không có gì là đáng ngạc nhiên nếu bà Yellen một lần nữa giữ nguyên tỉ lệ lãi suất tại cuộc họp vào ngày 14/6. Dưới đây là năm mối đe doạ đến sự thịnh vượng của nền kinh tế Mỹ khiến Chủ tịch Fed có thể phải một lần nữa trì hoãn biện pháp tăng lãi suất manh nha của mình:
1. Thị trường việc làm Mỹ
Các số liệu việc làm gần đây nhất dường như cho thấy giới chủ cảm thấy tin tưởng vào tương lai. Số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp ít hơn cho thấy rằng tình trạng dư thừa lao động tiếp tục giảm trước dự đoán sẽ có thêm nhiều việc làm. Số việc làm cần tuyển dụng vẫn ở mức cao trong năm. Đây có thể xem là tín hiệu bật đèn xanh cho việc tăng tỉ lệ lãi suất. Song những tín hiệu khác từ thị trường lao động Mỹ vẫn nháy đỏ.
Trong tháng 5/2016,tại Mỹ chỉ có 38.000 việc làm mới được kiến tạo, thấp hơn nhiều so với con số dự đoán 160.000 của các nhà kinh tế và đây là mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ năm 2010.
Tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm còn 4,7% song con số khá tích cực này phản ánh một số lượng lớn người Mỹ đã rút lui khỏi thị trường lao động. Cùng với việc lương bổng đứng im không tăng, đây là một trong những xu hướng đáng chú ý nhất trong một vài năm qua trên thị trường lao động Mỹ.
Năm 2015, tỉ lệ người tham gia thị trường lao động giảm còn 62%, mức thấp nhất kể từ năm 1977, khi mà đàn ông thường là người kiếm tiền duy nhất trong gia đình. Tỉ lệ này bắt đầu tăng trở lại vào cuối năm ngoái và tiếp tục gia tăng trong năm 2016 song vẫn ở mức thấp.
Mức tăng lương bổng tại Mỹ vẫn đình trệ. Ví dụ, trong tháng 4/2016 mức tiền lương của người Mỹ thực tế giảm 0,1% so với tháng trước và chỉ tăng 2,5% so với tháng 4/2015. Song tỉ lệ lạm phát trong tháng 4/2016 tăng 0,4%, đưa tỉ lệ lạm phát Mỹ trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4/2016 tăng lên 1,1% so với 0,4% năm trước.
Điều đó có nghĩa là mặc dù chỉ cao hơn đôi chút so với Anh, tiền lương tại Mỹ bị "hao mòn” đáng kể bởi tỉ lệ lạm phát cao hơn gần 4 lần so với của Anh.
2. Ngành chế tạo Mỹ
Nếu nhìn lại, có thể thấy rằng phần lớn tăng trưởng trong hoạt động chế tạo của Mỹ sau năm 2011 gắn liền với sự phát triển mạnh của hoạt động khai thác dầu đá phiến. Giá dầu thế giới khi đó cao và các nhà sản xuất trong nước cần thiết bị mới để khoan và vận chuyển dầu và khí giá rẻ của mình.
Giá dầu lao dốc từ mùa hè năm 2014 đã báo hiệu cho sự chấm dứt cho thời kỳ hưng thịnh này. Nhiều doanh nghiệp khai thác của Mỹ đã buộc phải cắt giảm sản xuất. Đầu tư vào thiết bị mới bất ngờ chấm dứt.
Gần đây, giá dầu đã hồi phục trở lại từ dưới 27 USD/thùng lên trên 50 USD/thùng. Đây là một dấu hiệu khả quan cho ngành dầu khí song đầu tư vào thiết bị mới có thể là con đường rất xa.
Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc công ty cung cấp số liệu tài chính Markit, cho biết triển vọng của ngành chế tạo Mỹ còn bị bao phủ bởi viễn cảnh chính trị chưa rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp thận trọng với các kế hoạch đầu tư lớn bởi ứng cử viên Trump vẫn có thể khả năng trở thành tổng thống Mỹ.
Theo ông Williamson, ngành chế tạo Mỹ đang trải qua một thời kỳ khó khăn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Sự suy yếu của ngành năng lượng, đồng đô la mạnh, nhu cầu suy yếu toàn cầu và mối lo ngại gia tăng về cuộc bầu cử tổng thống đang là những yếu tố góp phần hạn chế hoạt động của ngành chế tạo.
Ông Williamson cho rằng đồng Mỹ kim mạnh đã hạn chế khả năng xuất khẩu của các hãng chế tạo ô tô và đồng thời cho phép người tiêu dùng Mỹ được hưởng mức giá hàng nhập khẩu ổn định hoặc giảm. Điều này gây thiệt hại cho tình hình việc làm trong ngành chế tạo Mỹ.
3. Kinh tế Trung Quốc suy thoái
Trước tình trạng kinh tế toàn cầu suy yếu và nhu cầu về hàng hoá Trung Quốc giảm theo trong năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng các quy định cho vay và không giới hạn mức vay mượn nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Kết quả kinh tế Trung Quốc khởi sắc trong tháng 3/2016 song quay trở lại đáng thất vọng trong tháng 4.
Các số liệu tháng 5 có thể khả quan nhưng vẫn tồn tại mối lo ngại về tính bền vững của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sẽ là không khôn ngoan nếu xem nhẹ những quan ngại về nguy cơ "phá sản” đang lơ lửng tại Trung Quốc khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ những nguy cơ về núi nợ gia tăng.
Hiện nay tại Trung Quốc doanh bố bán xe hơi tăng và nhập khẩu có dấu hiệu cải thiện trong khi nhu cầu trong nước có dấu hiệu hồi phục và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây là một phần trong chủ trương tái cân bằng mà Bắc Kinh đang theo đuổi để đưa nền kinh tế chuyển hướng từ dựa vào các ngành quốc doanh nợ nần chồng chất sang dựa vào tiêu dùng nội địa. Mối lo ngại là người tiêu dùng sẽ phải gánh vác trách nhiệm nợ để duy trì kinh tế phát triển.
Theo dự đoán mới nhất của Ngân hàng Thế giới, năm 2016 sẽ là năm tăng trưởng toàn cầu đình trệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2009 và Trung Quốc sẽ phải dựa vào nhu cầu trong nước để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5% đến 7% đã đề ra cho năm nay.
Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang tiến tới ngày "gặt bão" trong khi một số người khác tin vào khả năng xoá nợ của chính phủ Trung Quốc. Mặc dù điều này khó có thể chấp nhận, song giải pháp này sẽ giúp Bắc Kinh nắm vững khu vực nhà nước và hộ gia đình .
4. Các cuộc chiến tranh tiền tệ
Trọng tâm chính sách kinh tế của Tổng thống Obama là thiết lập các quan hệ thương mại giữa Mỹ và vành đai Thái Bình Dương cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một trong trở ngại lớn nhất đối với Tổng thống Obama đó là đồng USD đã tăng mạnh kể từ năm 2012 khi châu Âu lún sâu vào khủng hoảng và Nhật quyết định theo đuổi con đường tăng trưởng duy nhất của mình là duy trì đồng Yên yếu để thúc đẩy xuất khẩu.
Có giai đoạn, dù được định giá cao hơn nhưng hàng hóa Mỹ vẫn có thể cạnh tranh với các đối thủ đến từ châu Âu và Nhật do thương mại toàn cầu tăng trưởng. Song đến năm 2014, giao dịch thương mại toàn cầu bắt đầu giảm. Hàng hoá Mỹ có giá cao gặp khó khăn trong việc tìm thấy thị trường. Trung Quốc bắt đầu có những hành động như bán phá giá thép rẻ trên thị trường toàn cầu và điều này đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều nước như Anh và Mỹ.
Nếu lãi suất tăng các nhà đầu tư quốc tế sẽ tăng cường mua các tài sản Mỹ và để làm điều này họ cần đổi tiền tệ của mình ra USD, dẫn tới nhu cầu và giá USD tăng và buộc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) và nới lỏng hơn nữa mối quan hệ ràng buộc với đồng USD.
Năm ngoái Bắc Kinh tiến hành phá giá đồng nhân dân ệ và điều này đã gây ra phản ứng dây chuyền mạnh mẽ khắp các thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu. Kết cục này có thể tái lặ. Đây là điều khiến bà Yellen quan ngại và buộc bà có thể phải trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất đã ấp ủ.
5. Brexit
Fed có bộ phân nghiên cứu của riêng mình, song có lẽ ngân hàng trung ương Mỹ đã chú ý đến cảnh báo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về Brexit. Theo OCED, việc Anh rút lui khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ là mối đe doạ lớn đối với nền kinh tế toàn cầu giống như kịch bản "hạ cánh cứng" của nền kinh tế Trung Quốc. Theo OECD, Brexit sẽ gây tổn thất đáng kể không chỉ cho Anh và châu Âu mà cả đối với phần còn lại của thế giới.
Bà Catherine Mann, chuyên gia kinh tế cấp cao OECD, nhận định nền kinh tế toàn cầu đang mắc kẹt trong nấc thang tăng trưởng thấp một phần do những lo ngại về cuộc trưng cầu dân ý tại Anh vào ngày 23/6. Theo dự đoán của OECD, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của khu vực đồng euro sẽ giảm 0,25% trong năm 2018 và tỉ lệ tăng trưởng của nhóm OECD gồm 34 nước có thể giảm 0,5%.
Anh, một trong số ít những đốm sáng kinh tế trong quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu kể từ năm 2014, thậm chí có thể sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn bởi chính quyết định rút lui của mình với nền kinh tế suy giảm 1,5% trong năm 2018 theo dự đoán của OECD.
Theo Trí thức trẻ/The Guardian