Giá dầu thô kỳ hạn đã tăng cao hơn trong vài tuần qua, bất chấp xu hướng chốt lời thường thấy trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. WTI đã được giao dịch ở mức cao 49,20 USD trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu với dầu thô Brent ở mức 52,40 USD, lần cuối dầu Brent chạm mốc này là vào tháng Hai trước khi giá dầu lao dốc.
Đương nhiên, câu hỏi quan trọng đối với hầu hết các trader tại thời điểm này là liệu sự phục hồi này có đủ sức để tiếp tục bước xa hơn nữa hay không.
Căn cứ trên cơ sở kỹ thuật thuần túy, dầu thô đã đạt mức cao hơn trên bảng giá hàng tuần kể từ tháng Tư. Mức đỉnh gần đây nhất là vào ngày 10 tháng 12 với kỳ vọng tiếp theo xung quanh mức tâm lý 50 đô la trên sàn NYMEX. Các mức kháng cự kỹ thuật tiếp theo là mức cao 54,5 USD hồi giữa tháng 2 cũng như mức cao nhất năm 2020 là 65,65 USD.
Dưới đây là ba lý do chính tại sao chúng tôi vẫn lạc quan về thị trường dầu mỏ.
# 1. Vắc xin Covid-19- Một lý do quan trọng khiến ngành năng lượng được xếp hạng là ngành hoạt động tốt nhất trong vài tuần qua đó là sự xuất hiện của một loạt vắc xin Covid-19 tiềm năng.
Việc triển khai vắc-xin BNT162b2 dựa trên mRNA của Pfizer-BioNTech đã bắt đầu tại Mỹ vào tuần trước. Cách đây vài ngày, vắc-xin đã đến các cơ sở chăm sóc dài hạn khi Walgreens đang tìm cách mở rộng chương trình cho gần triệu người dân và nhân viên tại 35.000 cơ sở chăm sóc dài hạn. Cho đến nay, chỉ có hai người được ghi nhận có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắc-xin, đều là nhân viên y tế tuổi trung niên. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã đưa ra lời khẳng định rằng vắc-xin vẫn an toàn cho công chúng.
Cho đến nay phần lớn công chúng Mỹ có khả năng sẽ nhận được vắc-xin vào cuối tháng Hai, tốt hơn so với mục tiêu một phần ba dân số mà Tiến sĩ Moncef Slaoui, người đứng đầu Chiến dịch Warp Speed, đã dự báo trước đó.
Trong khi đó, EU chuẩn bị triển khai chương trình tiêm chủng vào ngày 27 tháng 12 năm 2020. Vài ngày trước, Moderna Inc. thông báo rằng Ủy ban Châu Âu đã đặt mua thêm 80 triệu ứng cử viên vắc xin COVID-19 của mình, mở rộng quy mô tổng đơn đặt hàng cam kết là 160 triệu liều.
Sự thành công ban đầu của các chương trình triển khai đã truyền cho thị trường dầu rất nhiều lạc quan, ngay cả với hãng BP Plc (NYSE: BP) bảo thủ thậm chí còn phản bác lại những dự đoán trước đó rằng chúng ta có thể đã vượt qua đỉnh dầu, công ty hiện cho rằng nhu cầu dầu có thể không đạt đỉnh cho đến khoảng năm 2030.
# 2. Gói kích thích
Sau tất cả những dự đoán ảm đạm, nền kinh tế toàn cầu dường như đang phục hồi sau đại dịch tàn khốc với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Thật vậy, một số lĩnh vực của Mỹ và các nền kinh tế khác đã thực sự phục hồi trở lại mức hoạt động trước khủng hoảng. Một lý do quan trọng cho sự phục hồi nhanh chóng: Các gói kích cầu chưa từng có.
Ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là một đại dịch toàn cầu, chính phủ các nước ở khắp mọi nơi đã công bố các gói kích thích tài chính và tiền tệ khổng lồ (hơn 15 ngàn tỷ trên toàn cầu) với nỗ lực ngăn chặn suy thoái kinh tế. Chính phủ liên bang Mỹ đã can thiệp bằng một loạt các biện pháp, bao gồm gói trị giá 2,3 nghìn tỷ đô la được xây dựng để hỗ trợ thị trường tài chính, chính quyền tiểu bang và địa phương, người sử dụng lao động và hộ gia đình.
Các nhà lãnh đạo trong Quốc hội cuối cùng đã đạt được thỏa thuận về gói viện trợ 900 tỷ đô la nữa vào Chủ nhật, sau khi tìm mọi cách để tránh việc chính phủ đóng cửa hôm thứ Sáu bằng cách thông qua việc gia hạn tài trợ thêm hai ngày để các cơ quan hoạt động cho qua đêm Chủ nhật. Quốc hội đã bỏ phiếu về gói kích thích kinh tế mới vào tối thứ Hai và nó đã được thông qua.
Một bộ phận các nhà phân tích đã cảnh báo rằng các gói kích thích hào phóng có thể quay trở lại gây hại cho thị trường gây ra sự sụp đổ kinh tế siêu lạm phát.
Tuy nhiên, biện pháp kích thích của chính phủ đã được chứng minh là một công cụ hữu hiệu, ít nhất là trong ngắn hạn.
# 3. Thỏa thuận OPEC +
Hai tuần trước, các thành viên OPEC + đã gặp nhau để thảo luận về kế hoạch sản xuất trong tương lai với việc cắt giảm sản lượng hiện tại sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Những nhà đầu cơ giá lên hy vọng rằng OPEC+ sẽ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng hiện tại là 7,7 triệu thùng/ngày thêm ít nhất ba tháng nữa. Thay vào đó, họ đã khá ngạc nhiên sau khi OPEC + thông báo rằng họ sẽ tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 1, giảm tổng sản lượng cắt giảm vào đầu năm 2021 xuống 7,2 triệu thùng/ngày.
Đáng ngạc nhiên, giá dầu đã tiếp tục tăng kể từ khi công bố thông tin. Một nhà phân tích năng lượng giải thích lý do như sau:
“Việc tăng 500.000 thùng/ngày từ tháng 1 không phải là viễn cảnh ác mộng mà thị trường lo ngại, nhưng nó không phải là điều thực sự được mong đợi vài tuần trước. Thị trường hiện đang phản ứng tích cực và giá đang ghi nhận mức tăng nhỏ vì 500.000 thùng bổ sung không gây nguy hiểm cho sự cân bằng”, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy, Paola Rodriguez Masiu, tuyên bố.
Nói cách khác, thị trường rất vui khi tổ chức 23 thành viên này tỏ ra thận trọng với hoạt động sản xuất của mình.
Một dấu hiệu đáng khích lệ khác: hai nhân vật chính hàng đầu, Ả Rập Xê-út và Nga, dường như đang đồng lòng trong lần này.
Với bài học khắc nghiệt về cuộc khủng hoảng giá dầu tháng 4 vẫn còn nguyên trong đầu, khó có khả năng OPEC + sẽ sớm quay trở lại cuộc chiến thị phần và giá cả vô nghĩa trong tương lai gần và do đó có nguy cơ khiến thị trường sụp đổ một lần nữa.
Nguồn tin: xangdau.net