"Góp ý về dự thảo Nghị quyết biểu thuế bảo vệ môi trường, về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn)", báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết.
Nếu được thông qua, thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu sẽ được tăng lên mức kịch trần.
Bộ Tài chính vừa có Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường.
Trước đó, tại dự thảo Nghị quyết gửi lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề nghị thuế bảo vệ môi trường đối với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít, tăng 1.100 đồng/lít; Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg; Nhiên liệu bay, dầu hỏa giữ như hiện hành là 3.000 đồng/lít đối với nhiên liệu bay (mức trần) và 300 đồng/lít đối với dầu hỏa (mức sàn).
Theo Bộ Tài chính, đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được 60 ý kiến tham gia, trong đó 14 ý kiến tham gia của các Bộ, ngành; 42 ý kiến tham gia của các địa phương; 4 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.
"Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo Nghị quyết (40/60 ý kiến nhất trí hoàn toàn). Một số ý kiến về câu chữ, kỹ thuật soạn thảo đã được Bộ Tài chính hoàn chỉnh tại hồ sơ dự án Nghị quyết", Bộ Tài chính cho biết.
Cụ thể, đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đa số các ý kiến nhất trí với nội dung dự thảo. Tuy nhiên, có một vài ý kiến tham gia thêm đề nghị làm rõ cơ sở của việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tại dự thảo Nghị quyết.
Trước ý kiến đề nghị cần có lộ trình tăng mức thuế bảo vệ môi trường đến năm 2020 để phù hợp với nền kinh tế và sức mua của người dân, Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với từng hàng hóa chịu thuế tại dự thảo Nghị quyết là "đảm bảo trong khung mức thuế bảo vệ môi trường và phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Luật thuế Bảo vệ môi trường".
"Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ. Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa", báo cáo cho hay.
Với phương án điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường nêu trên và dự kiến có hiệu lực từ ngày 01/7/2018, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7/2018 (so với tháng 6/2018) là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động đến CPI bình quân năm 2018 là khoảng 0,11-0,15% (theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 thì chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4%).
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ khuyến khích sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; góp phần khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hóa thân thiện với môi trường (như xăng dầu sinh học - xăng E5, E10, dầu diesel B5, B10, túi ni lông thân thiện với môi trường). Từ đó, sẽ giảm phát thải ô nhiễm môi trường, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi liền giảm ô nhiễm môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, góp ý về dự thảo Nghị quyết, có ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu mazut tăng từ 900 đồng/lít lên 1.500 đồng/lít hoặc điều chỉnh tăng từ 900 đồng/lít lên 1.200 đồng/lít để không ảnh hưởng đến giá thành của các sản phẩm sử dụng nhiên liệu dầu mazut, do đây là nhiên liệu đầu vào chủ yếu của các nhà máy điện, sản xuất kính, gốm sứ...
Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, dầu mazut (FO) là loại chất đốt gây ô nhiễm môi trường vì chứa hàm lượng lưu huỳnh cao (từ 2.0-3.5 mg/kg), khi đốt cháy sẽ tạo ra khí sunfuaro (SO2), một loại khí rất độc hại cho môi trường. Vì vậy, để hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài chính đề nghị giữ như dự thảo Nghị quyết (đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu mazut từ 900 đồng/lít lên mức trần trong khung 2.000 đồng/lít).
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít (tương đương mức thuế của nhiên liệu bay) do nhu cầu dầu hỏa để thắp sáng ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa gần như không đáng kể vì mạng lưới điện ngày càng phủ kín đến các địa bàn này.
Trong khi đó, nhu cầu dầu hỏa của cả nước hiện ở mức từ 4.500 - 5.000 m3/tháng và chủ yếu được sử dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; giảm độ chênh lệch giá với mặt hàng xăng tránh gian lận thương mại...
Về vấn đề này, Bộ Tài chính "nhất trí tiếp thu" và cho biết dự kiến điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường của các sản phẩm dầu, mỡ nhờn khác. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa từ 300 đồng/lít lên mức trần là 2.000 đồng/lít.
Nguồn tin: dantri.com.vn