Tại phiên chất vấn ngày 12/11, vấn đề gian lận thương mại, điển hình là gian lận xăng dầu tiếp tục "nóng" diễn đàn (trước đó, tại các phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội giữa kỳ họp và tập hợp kiến nghị cử tri gửi Quốc hội, gian lận xăng dầu cũng được đề cập rõ).
Nhiều câu hỏi chất vấn được đại biểu gửi trực tiếp bằng văn bản tới Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, đề nghị giải trình trách nhiệm, biện pháp xử lý. Tuy nhiên, do thời lượng chất vấn, trả lời chất vấn hạn hẹp, lại có quá nhiều vấn đề phải giải trình nên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không có nhiều thời gian trình bày trước Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, các ý kiến chất vấn về gian lận thương mại, đặc biệt gian lận xăng dầu sẽ có báo cáo gửi trực tiếp đại biểu, đồng thời sẽ phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ áp dụng các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm trước pháp luật các cây xăng vi phạm.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Phải điều tra, đưa ra xử điểm một số vụ
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bức xúc: Gian lận thương mại nói chung là hành vi đã được quy định trong luật hình sự. Những hành vi gian lận thương mại, điển hình là gian lận xăng dầu đã kéo dài quá lâu, tính chất nghiêm trọng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải điều tra, đưa ra xử lý một số vụ điểm.
- Nhưng đến nay các vi phạm này vẫn chỉ dừng lại ở phạt hành chính và có ý kiến còn giải thích xử hành chính cũng đủ nghiêm?
Không thể lý giải như vậy được. Vi phạm mức nào phải xử mức đó, việc xử lý nghiêm vừa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung, vừa để bảo vệ quyền lợi người dân. Cơ sở pháp lý đã rất rõ, tôi cho rằng, những vụ việc nghiêm trọng, có tính chất hình sự thì phải xử lý bằng pháp luật hình sự. Nếu chỉ thanh tra, kiểm tra rồi xử lý hành chính như hiện nay thì mãi không thể ngăn chặn tình trạng này được, tạo tiền lệ không tốt.
- Thực trạng hành chính hóa cũng khiến các đối tượng vi phạm coi thường pháp luật khi móc túi khách hàng?
Không chỉ riêng xăng dầu mà nhiều vấn đề khác nữa, việc hành chính hóa vừa không đảm bảo tính nghiêm minh, nhìn rộng ra thì xã hội không lành mạnh được. Đó là tình trạng chung còn trong từng vụ, tính chất, mức độ lại khác nhau. Có cây xăng vi phạm thường xuyên, trắng trợn, làm sao có thể xử lý hành chính? Việc này tạo nên sự tùy tiện trong xã hội, người chịu đựng cao nhất là người dân.
- Trách nhiệm của Bộ Công Thương trong xử lý vấn đề này thế nào?
Gian lận thương mại thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương phải xem xét, đánh giá lại một cách chính xác, đầy đủ. Vấn đề đã đến mức báo động, nếu Bộ Công Thương không có hành động kiên quyết thì rất khó kiểm soát tình hình. Kỳ chất vấn này, nhiều đại biểu cũng nêu rõ ý kiến, rõ ràng Bộ Công Thương phải có hành động kiên quyết, kịp thời hơn.
- Còn trách nhiệm của các cơ quan tư pháp?
Cơ quan tư pháp, pháp luật đã quy định rõ. Nếu qua thanh tra, kiểm tra xác định vi phạm nghiêm trọng thì phải khởi tố, điều tra, đưa ra xử lý một số vụ điểm. Những đối tượng vi phạm nhiều cũng phải xử lý hình sự.
Đại biểu Quốc hội Phạm Quốc Anh. |
Chủ tịch Hội Luật gia Việt
Rời khỏi phòng họp sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, đại biểu Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt
- Một tháng trước đây, ông nói gian lận xăng dầu gây hậu quả rất nghiêm trọng và cho biết sẽ chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, sao nay theo dõi không thấy, thưa ông?
Tôi rất quan tâm việc này. Tôi đã có văn bản chất vấn gửi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong đó nói rõ đây là một biểu hiện của gian lận thương mại với thủ đoạn tinh vi, hậu quả nghiêm trọng, Bộ trưởng Công Thương cần lý giải trách nhiệm trong quản lý, cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, tại diễn đàn, tôi ấn nút nhưng thời gian ngắn, không đến lượt, nhiều đại biểu khác cũng như tôi…
- Vậy ông sẽ làm gì?
Tôi chờ đợi văn bản trả lời của Bộ trưởng.
- Ngày 13/11, Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn, vậy ông có dự định tiếp tục nêu ý kiến của mình?
Tôi đang nóng lòng chờ đợi phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng. Tôi sẽ hỏi Thủ tướng 2 vấn đề, trong đó có vấn đề quản lý thị trường xăng dầu, xử lý các vi phạm gian lận xăng dầu.
- Nhưng vấn đề thời gian…
Tôi sẽ chủ động ấn nút sớm, hy vọng sẽ được chất vấn…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Bộ trưởng Bộ Công Thương phải có giải pháp quyết liệt hơn Đề cập vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Lĩnh vực gian lận thương mại, điển hình như gian lận xăng dầu là lĩnh vực rất thời sự, bức xúc và người dân quan tâm nhiều… Làm ăn gian dối, người tiêu dùng bị thiệt mà phần đông là dân nghèo, họ không bằng lòng. Chủ tịch cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương phải: "Có giải pháp quyết liệt hơn, như Bộ trưởng có nói phải tăng cường quản lý thị trường. Hình như gần đây có thời kỳ chúng ta có nói mạnh chuyển sang cơ chế thị trường, ít nói đến quản lý thị trường hay buông chuyện quản lý của nhà nước bằng các biện pháp cần thiết. Nếu như trình độ nghiệp vụ của anh em chưa tốt thì phải bồi dưỡng. Nếu chỗ nào Bộ trưởng nói nghị định hoặc quy định còn thiếu, thì phải kiến nghị bổ sung một cách chủ động để chúng ta tạo điều kiện chứ không có lý gì để kéo dài mãi tình trạng này"... Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Một số đối tượng nhắm mắt trước lợi ích cộng đồng Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận nhiều chất vấn đề nghị làm rõ vấn đề gian lận xăng dầu, trách nhiệm quản lý, cấp phép kinh doanh của Bộ. Khẳng định đây là vấn đề lớn, dư luận bức xúc, Bộ trưởng cho biết có thể trả lời bằng văn bản gửi tới đại biểu. Đánh giá tính chất nghiêm trọng của hành vi, tại Hội trường, Bộ trưởng nói: Một trong những nguyên nhân cho rằng vì lợi nhuận trước mắt, chạy theo lợi nhuận là có một số đơn vị và cá nhân đã nhắm mắt trước lợi ích lâu dài của cộng đồng và trước quyền lợi của người tiêu dùng... |
(CAND)