“Kích cầu niềm tin của nhân dân sẽ tạo sức bật mới cho nền kinh tế”, đó là ý kiến của rất nhiều chuyên gia trong buổi tọa đàm “Vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn suy giảm kinh tế hiện nay” tổ chức tại TP. HCM đầu tháng 5 vừa qua.
"Kích cầu niềm tin"
Thiết nghĩ, trong rất nhiều những công cụ để “kích cầu niềm tin”, đảm bảo an sinh xã hội, bảo hiểm tiền gửi (BHTG) cũng là một công cụ đóng vai trò vô cùng quan trọng để đạt mục tiêu này.
Chính sách BHTG hợp lý sẽ là biện pháp kích cầu tốt nhất đối với bất kỳ nền kinh tế nào.
Ngân hàng là một ngành kinh doanh đặc biệt, dựa trên niềm tin của người dân và doanh nghiệp. Xuất phát từ đặc điểm này, việc giữ gìn và nâng cao niềm tin công chúng vào hệ thống tài chính quốc gia luôn là vấn đề cốt lõi, thiết yếu để đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống này.
Sự tác động của chính sách BHTG
Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới lan rộng đã tác động mạnh mẽ tới từng quốc gia và làm cho hàng loạt các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn phá sản hoặc phải sáp nhập để tồn tại.
Theo số liệu mới nhất, ở Mỹ từ đầu năm 2009 đến nay đã có tới 52 ngân hàng bị phá sản (gấp đôi số ngân hàng phải đóng cửa trong cả năm 2008), và số tiền mà Tổng công ty BHTG liên bang (FDIC) phải chi trả cho người gửi tiền lên tới 12 tỷ USD.
Chúng ta hãy làm một phép so sánh về niềm tin của người gửi tiền đối với ngân hàng ở hai quốc gia có mô hình tổ chức BHTG khác nhau là Mỹ và Anh:
Tháng 9/2007, hàng triệu khách hàng của Ngân hàng Northern Rock (Anh) đã lũ lượt kéo đến các chi nhánh, các điểm giao dịch để rút tiền. Sở dĩ có tình trạng này là do Northern Rock đang đứng trên bờ vực phá sản, cổ phiếu Northern Rock đã tụt giảm 37% giá trị.
Mặc dù các nhà chức trách đã ra sức trấn an 1,4 triệu khách hàng rằng: Với nguồn vốn lên tới 113 tỷ USD, Northern Rock đảm bảo chi trả đầy đủ tiền gửi, nhưng dòng người kéo đến rút tiền tại các chi nhánh của Northern Rock vẫn ùn ùn tăng lên.
Trong khi đó, thời gian gần đây, tại phố Wall (Mỹ) hàng loạt các định chế tài chính – ngân hàng khổng lồ của quốc gia này sụp đổ như: Fannie Mae, Freddie Mac, Lehman Brothers, Merrill Lynch, AIG, Washington Mutual... hay gần đây nhất là Community Bank of West Georgia, Horizon Bank of Pine City… Nhưng tuyệt nhiên, không có tình trạng hỗn loạn hay người dân ồ ạt kéo đến ngân hàng rút tiền.
Rõ ràng, có một sự khác biệt giữa hệ thống bảo hiểm tiền gửi của Mỹ và Anh. Cụ thể, khi cơn bão tài chính đang diễn ra phức tạp, ở Mỹ, ngay lập tức Quốc hội đã đưa ra một động thái nhằm “kích cầu niềm tin” bằng việc thực hiện tăng trần mức BHTG.
Theo đó, mức BHTG tối đa của BHTG Liên bang Mỹ đối với các tài khoản tiết kiệm của người dân trong các ngân hàng tạm thời tăng từ mức 100.000 USD lên mức 250.000 USD. Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ cũng tạm thời có quyền vay tiền không hạn chế từ Bộ Tài chính để bù đắp cho khoản tiền bảo hiểm tăng thêm này.
Trong khi đó, tại Anh, sau một thời gian dài xảy ra sự cố Northern Rock, tổ chức BHTG mới thực hiện nâng hạn mức BHTG cho tất cả các khoản tiền gửi từ 35.000 bảng lên 50.000 bảng (từ 7/10/2008) nhằm bảo vệ những người gửi tiền tại nước này và tránh dòng tiết kiệm chảy tới những nước láng giềng cam kết bảo hiểm toàn bộ cho người gửi tiền.
... Và bài học tại Việt Nam
Ở Việt Nam, “kích cầu niềm tin” vào hệ thống ngân hàng đã được thể hiện qua chính sách hỗ trợ lãi suất. Đây được coi là một trong những chính sách trọng tâm trong gói giải pháp của Chính phủ nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế hiện nay.
Chính sách này được TS. Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ nhiệm UB Giám sát tài chính quốc gia khẳng định là một “chính sách thông minh”, giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa “tránh được bẫy thanh khoản”, vừa giúp người gửi tiền thấy rõ lợi ích kinh tế khi gửi tiền vào ngân hàng. Chính vì thế, ngay trong khủng hoảng, người dân vẫn tìm đến ngân hàng với một niềm tin sâu sắc.
Trở lại với chính sách BHTG, nếu chính sách hỗ trợ lãi suất mang lại lợi ích kinh tế đối với người vay vốn thì “kích cầu niềm tin” qua chính sách BHTG sẽ trở nên vô cùng có ý nghĩa trong việc tạo tâm lý bình tĩnh, giúp người gửi tiền yên tâm vào hệ thống BHTG và ngân hàng mà họ gửi tiền, từ đó không kéo đến rút tiền ồ ạt gây nên sự cố “đột biến rút tiền hàng loạt” với hậu quả khó lường cho toàn hệ thống tài chính tài chính – ngân hàng.
“Kích cầu” được niềm tin của nhân dân sẽ tạo sức bật mới cho nền kinh tế. “Kích cầu” được niềm tin của người gửi tiền sẽ tạo được sức bật mới cho hệ thống tài chính - ngân hàng, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của chính sách BHTG tại Việt Nam trong việc “kích cầu” niềm tin trong dân chúng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần tiếp tục khẳng định hơn nữa vai trò của mình trong hệ thống giám sát tài quốc gia qua việc xây dựng mô hình tiên tiến về tổ chức BHTG theo hướng tổ chức giảm thiểu rủi ro với các chức năng mở rộng; chuyển biến nhận thức và thực hiện chính sách công tích cực về hoạt động BHTG.
Nâng cao năng lực pháp lý cho hoạt động BHTG làm cơ sở đầy đủ và chắc chắn cho thực thi chính sách công về BHTG.
Điều chỉnh hạn mức chi trả tiền gửi được bảo hiểm theo hướng tăng lên để đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền nhất là khi xảy ra khủng hoảng.
Bên cạnh các gói kích cầu đầu tư, kích cầu sản xuất, kích cầu tiêu dùng thì “kích cầu” niềm tin qua việc tạo dựng và ngày càng nâng cao niềm tin của công chúng đối với thị trường tài chính - ngân hàng được xem là "một mũi tên trúng nhiều đích". Điều đó còn khẳng định được vai trò của tổ chức BHTG trong việc chống khủng hoảng kinh tế hiện nay.
vietnamnet