Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Họ" dầu khí: Nửa đầu năm phân hóa, cuối năm nhiều biến động

Bức tranh ngành dầu khí nửa đầu năm được tô điểm bằng nhiều mảng màu sáng tối, triển vọng cuối năm vẫn còn mờ nhạt khi giá dầu tiếp tục được dự báo ở mức thấp. 

Nửa đầu năm, "họ" dầu khí phân hóa mạnh mẽ

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ngành dầu khí đã chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ trong kết quả kinh doanh, nhiều ông lớn dầu khí tiếp tục làm ăn lãi lớn nhưng cũng không thiếu những doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn báo lỗ lớn.

Mở đầu kết quả kinh doanh tích cực, PetroVietnam (PVN) cho biết doanh thu của Tập đoàn 6 tháng đầu năm đạt 247.100 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, PVN báo lãi sau thuế 13.100 tỷ, tăng 25% so với cùng kỳ 2016 và đã hoàn thành đến 79% kế hoạch năm.

PetroVietnam cho rằng do giá dầu thô trung bình 6 tháng qua ở mức 54,4 USD/thùng, tăng 4,4 USD/thùng (tương đương 8%) so với giá dự kiến là 50 USD/thùng đã giúp doanh thu và lợi nhuận Tập đoàn 6 tháng đầu năm tăng 15% so với kế hoạch.

Còn Tổng công ty khí Việt Nam – CTCP (HoSE: GAS), 6 tháng đầu năm GAS ghi nhận 32.573 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.087 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 31% so với cùng kỳ.

GAS cho biết, giá dầu Brent bình quân trong quý II/2017 là 50,79 USD/thùng – cao hơn so với giá bình quân của quý II/2016 (47,03 USD/thùng), tức tăng 3,76 USD. Điều này làm cho giá bán các sản phẩm của PV GAS cũng tăng theo tương ứng, dẫn đến lợi nhuận tăng.

Điểm sáng còn đến từ Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí (PVE) khi ghi nhận 913 tỷ đồng doanh thu thuần trong nửa đầu năm, tăng 83,4% so với cùng kỳ 2016 và lợi nhuận sau thuế đạt 15,8 tỷ đồng, gấp 2,45 lần và hoàn thành 48,6% kế hoạch cả năm 2017. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 2 quý đầu năm đạt 624 đồng.

Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2017, CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha - ASP ghi nhận doanh thu thuần đạt 848,4 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ; LNST đạt gần 19 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ ròng 4,67 tỷ đồng.

Không được khả quan như các doanh nghiệp trên, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PVS đạt 7.746 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Công ty ghi nhận lãi sau thuế 649,7 tỷ đồng, giảm 5,6% so với 6 tháng đầu năm 2016.

Hay Tổng công ty Vận tải dầu khí PVT chỉ đạt 3.021 tỷ đồng doanh thu thuần trong đầu năm, giảm 7,5% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 151,7 tỷ đồng giảm gần 21% so với nửa đầu năm 2016. Theo đó, kết thúc nửa đầu năm PVT mới hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.

Không được như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp đã báo lỗ, nổi bật lên là Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling (HoSE: PVD).

Cụ thể, chỉ trong 6 tháng đầu năm, PV Drilling chỉ ghi nhận 1.448 tỷ doanh thu, giảm đến 57% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế âm 273 tỷ, cùng kỳ năm ngoái có lãi ròng 116 tỷ đồng.

Nối gót PVD, lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, Tổng Công ty Dung dịch khoan & Hóa phẩm Dầu Khí – CTCP (HNX: PVC) ghi nhận doanh thu thuần 1.622 tỷ, tăng 17% cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ lại lỗ gần 4 tỷ đồng.

Theo báo cáo của BSC, giá dầu Brent cuối quý 2 đã hồi phục về mức $49.7, sau một giai đoạn giảm mạnh từ mức $54 vào 23/5 về $44.8 ngày 21/6/2017. Giá dầu Brent đạt mức trung bình $50.9 trong quý II, tăng 7.8% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng mạnh 56% của quý I/2017. Giá LPG cũng có diễn biến tương tự, giảm mạnh trong quý II từ $600 về mức $390. Theo đó, giá LPG trung bình trong quý II/2017 đạt $423, vẫn tăng 15.9% so với cùng kỳ.

Diễn biến giá Crude oil nửa đầu năm (nguồn: tradingeconomics.com)

Về sản suất của ngành dầu khí sáu tháng đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho biết, sản lượng khai thác dầu khí chỉ đạt hơn 6,9 triệu tấn, giảm 12,5%; sản lượng khí khai thác đạt 5,16 tỷ m3, giảm 8,7% so cùng kỳ năm 2016.

Sản lượng khai thác dầu thô trong nước 6 tháng đầu năm 2017 giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do hầu hết các mỏ đều đã qua thời điểm “đỉnh” khai thác, hiện tại đang thuộc giai đoạn suy giảm sản lượng tự nhiên của các mỏ theo như sơ đồ công nghệ. Năm 2017 chỉ đưa 1 công trình mới vào khai thác là giàn Thỏ Trắng 3 của liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro.

Cuối năm, nhiều doanh nghiệp chờ đón dòng tiền hoàn nhập, hồi tố lớn

Theo báo cáo của BSC, ngành dầu khí hiện đang ở giai đoạn đáy và mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn. Nguồn cung điện thiếu hụt ở khu vực phía Nam gây áp lực cho việc triển khai các dự án khí lớn như Cá Voi Xanh hay Lô B Ô Môn.

Các cổ phiếu thuộc nhóm khí đang thuận lợi trong ngắn hạn, khi giá FO hay giá LPG đang ở mức cao so với cùng kỳ, song triển vọng dài hạn sẽ khó khăn hơn nếu giá dầu tiếp tục giảm trong 2018. Ngược lại, các cổ phiếu thượng nguồn có triển vọng kém trong ngắn hạn, nhưng triển vọng dài hạn khả quan nhờ vào các dự án lớn.

Trong ngắn hạn, các dự án như Cá Rồng Đỏ, Sao Vàng Đại Nguyệt và Sư Tử Trắng sẽ là động lực cho các doanh nghiệp xây lắp như PXS và PVS. Một số doanh nghiệp phục vụ hoạt động khai thác sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong nửa cuối năm như PVD và PVC, dự kiến dự án sớm nhất là Cá Rồng Đỏ sẽ bắt đầu giúp cải thiện lợi nhuận từ tháng 5/2019 của các doanh nghiệp này.

Cụ thể, triển vọng kinh doanh của GAS phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá dầu FO, do hầu hết chi phí đầu vào đã được ký cố định tại miệng giếng, trong khi 70% sản lượng đầu ra được neo theo 46% giá dầu FO tại thời điểm bán.

Sản lượng khai thác được kỳ vọng đi ngang trong một vài năm tới cho đến lúc các mỏ mới được khai thác (như Cá Rồng Đỏ và Sư tử Trắng). Ngoài ra, vào cuối năm 2017, PV Gas có thể sẽ ghi nhận khoản hồi tố tiền phí vận chuyển cho đường ống Cửu Long trong giai đoạn 2014-2016, ước khoảng 1.000 tỷ đồng.

PVS là doanh nghiệp được hưởng lợi sớm nhất từ các dự án lớn như Cá Rồng Đỏ và Sao Vàng Đại Nguyệt. Công ty đã trúng thầu dự án Cá Rồng Đỏ, với giá trị EPC đạt 8.500 tỷ đồng. Công việc liên quan đến Cá Rồng Đỏ sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 10/2017 với điểm rơi công việc vào 2018 – 2019. Việc khởi công dự án lớn cũng sẽ kéo theo nhu cầu cho các dịch vụ khác của Công ty.

Ngoài ra, trong thời gian tới, PVS có thể nhận một khoản tiền bồi thường liên quan đến việc tàu FPSO Lam Sơn kết thúc sớm hợp đồng – tổng thiệt hại liên quan đến việc kết thúc sớm hợp đồng này là hơn 200 triệu USD.

Theo báo cáo của BVSC, PVD đặt kế hoạch số giàn khoan trung bình hoạt động trong 2017 khoảng 2,5 giàn, trong đó chủ yếu là các giàn tự nâng. Trong quý II, Công ty không có giàn khoan thuê hoạt động, lỗ ít hơn quý I chủ yếu do hiệu suất sử dụng giàn tự nâng đã tăng hơn 33%. Tình trạng này sẽ vẫn còn tiếp diễn khi nguồn cung giàn khoan tại Đông Nam Á vẫn vượt cầu, và khoảng cách cung cầu vẫn còn tiếp tục được nới rộng.

Do đó, để bớt lỗ, Công ty chỉ còn trông chờ vào khoản hoàn nhập dự phòng khoản phải thu và hoàn nhập quỹ công nghệ. BVSC đánh giá, PVD có thể hoàn nhập khoảng 180 tỷ từ thu hồi công nợ khách hàng, quỹ công nghệ có thể mang lại dòng tiền khoảng 140 tỷ.

Đáng chú ý nhất là khoản phải thu từ PVEP với dư nợ gần 1.000 tỷ. Trong trường hợp không thành công, PVD có thể lỗ khoảng 800 – 1.100 tỷ đồng trong năm nay. Tuy nhiên, với mức lỗ này, giá trị sổ sách của PVD vẫn đạt khoảng 27.659 đồng, cao hơn so với giá thị trường hiện nay.

Các doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ biến động giá dầu khí trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, giá dầu cuối năm sẽ tiếp tục khó đoán và cũng là nhân tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong quãng thời gian còn lại của năm 2017.

Vào ngày 25/5/2017, OPEC đã đồng ý kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng thêm 9 tháng, dự kiến cho tới tháng 3/2018. Tuy vậy, nguồn cung dầu vẫn chịu áp lực bởi các quốc gia Mỹ, Iran Nigeria và Lybia, đều gia tăng sản lượng khai thác.

Về dự báo của EIA, sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ đã liên tục tăng, đạt mức 5.5 triệu thùng/ngày trong tháng 7, tăng 22% so với mức khai thác hồi đầu năm. Cùng với đó, các quốc gia không tham gia vào chương trình cắt giảm sản lượng cũng sẽ gia tăng sản lượng, qua đó trung hòa những nỗ lực cắt giảm của OPEC.

Theo đó, lãnh đạo PetroVietnam đã dự báo giá dầu trung bình sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm, dao động 46-50 USD/thùng. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo do nhiều yếu tố quốc tế, giá dầu thô trong nửa cuối năm nay chỉ ở mức 40-50 USD/thùng.

Trong báo cáo mới nhất (Shorterm Energy Outlook tháng 7-2017) của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra dự báo giá dầu WTI sẽ ở mức trung bình 48,95 đô la Mỹ/thùng và giá dầu Brent là 50,79 đô la Mỹ/thùng trong năm 2017, thấp hơn so với các dự báo trước đó.

Cũng vào cuối tháng 4/2017, Chính phủ đã có Nghị quyết 24 yêu cầu ngành dầu khí khai thác thêm 1 triệu tấn dầu so với kế hoạch được giao trong năm 2017, nhằm đảm bảo kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nguồn tin: Ndh.vn

ĐỌC THÊM